Ông Nguyễn Xuân Thành ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã 76 tuổi chưa bao giờ vui như những ngày này khi biết công trình cầu Cổ Phúc vừa được hợp long cầu và dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2020.
"Đây là niềm mong mỏi gần hết đời người tôi cũng như nhiều thế hệ người dân sinh cơ lập nghiệp phía bên kia sông Hồng” - ông Thành chia sẻ.
Anh Đoàn Văn Sỹ ở xã Y Can cũng như hàng ngàn hộ dân ở các xã: Y Can, Quy Mông, Kiên Thành đang hàng ngày, hàng giờ chờ đợi ngày công trình cầu Cổ Phúc được hoàn thành. "Mong ước bao đời nay của bà con chúng tôi nay đã trở thành hiện thực. Sau khi công trình đưa vào sử dụng sẽ kết nối các xã phía hữu ngạn sông Hồng với trung tâm huyện Trấn Yên, chấm dứt cảnh chờ đợi đò qua sông mà người dân chúng tôi đã trải qua hàng trăm năm nay” - anh Sỹ cho biết.
Công trình cầu Cổ Phúc được thiết kế vĩnh cửu bằng kết cấu bê tông cốt thép, sử dụng công nghệ thi công hiện đại, quy mô bề rộng toàn cầu là 12 m, chiều dài toàn cầu 400 m, đường dẫn hai đầu cầu dài 1.400 m, tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thi công. Được khởi công từ cuối năm 2019, đến nay, sau gần 1 năm thi công, với nhiều giải pháp tích cực, hạng mục phần cầu chính đã cơ bản hoàn thành 95% khối lượng, phần đường dẫn hai bên đầu cầu cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bàn giao, đưa vào sử dụng.
Đồng chí Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: "Sau khi công trình cầu Cổ Phúc hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối tuyến đường tỉnh 163 (Yên Bái - Khe Sang), đường tỉnh 166 (Quy Mông - Đông An) và các xã, thị trấn hai bên tả ngạn - hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên và vùng phụ cận với tuyến quốc lộ 37 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng không gian phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh nói chung”. Từ ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng trên, trong thời gian qua, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp tích cực để thi công đảm bảo đúng tiến độ.
Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh nhấn mạnh: "Cầu Cổ Phúc là một trong 12 công trình trọng điểm được Tỉnh ủy đưa vào Chương trình hành động số 190 về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020 và đây cũng là công trình cầu đầu tiên nối hai bên bờ sông Hồng được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Trấn Yên và khi hoàn thành sẽ góp phần tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi cho giao thương, đi lại của nhân dân, mở ra cơ hội lớn, tạo đà bứt phá đi lên đối với các xã thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn phía hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên như: Quy Mông, Y Can, Kiên Thành... tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương mang tính kết nối liên vùng. Vì vậy, trong quá trình thi công công trình, Ban luôn sát sao chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân vật lực, tăng ca để đảm bảo tiến độ; đồng thời, giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho nhà thầu trong thi công”.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đến nay, sau 1 năm thi công, công trình cầu Cổ Phúc đã hoàn thành trên 95% khối lượng, phấn đấu đến ngày 31/12/2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng về đích trước 6 tháng so với kế hoạch. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu Cổ Phúc không những góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng mà còn làm thỏa niềm mong ước của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong huyện Trấn Yên, bởi từ nay sẽ không còn phải lo cảnh đò ngang cách trở; đặc biệt, các em học sinh sẽ an toàn hơn trong mùa mưa lũ. Đúng là nhịp cầu nối những bờ vui!
Văn Tuấn