Năm 2020, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ của ngành nông nghiệp với các địa phương, sự nỗ lực của bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả cao.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đưa vào gieo trồng 72.217 ha cây lương thực có hạt, sản lượng đạt hơn 319.771 tấn, tăng 5.507 tấn so với năm 2019; trong đó thóc đạt 217.434 tấn, ngô 102.337 tấn.
Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây rau màu đều cho năng suất và sản lượng cao. Diện tích chè toàn tỉnh đạt 7.732 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 7.150 ha, năng suất đạt 103,5 tấn/ha, giá trị chè búp tươi ước đạt 321,8 tỷ đồng. Diện tích cây ăn quả ước đạt 9.700 ha; trong đó có 8.150 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 53.000 tấn.
Trong chăn nuôi, việc tái đàn lợn sau dịch được triển khai tích cực, đến tháng 11 tổng đàn gia súc chính là trên 610.700 con, đạt 92,8% kế hoạch; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 1.980 tỷ đồng; toàn tỉnh đưa vào nuôi trồng, khai thác 22.267 ha thủy sản, sản lượng ước đạt 11.500 tấn.
Đến ngày 15/10/2020, toàn tỉnh đã trồng được 16.730,6 ha rừng, đạt 105 % kế hoạch năm.
Trong năm, ngành nông nghiệp, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để ứng phó với dịch Covid-19, qua đó giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo kế hoạch, năm 2021, ngành nông nghiệp phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt 313.000 tấn; trong đó vụ đông xuân năm 2020 -2021 gieo cấy 19.210 ha lúa, năng suất trên 54 tạ/ha, sản lượng 105.300 tấn; 20.000 ha ngô đông xuân, năng suất trên 35 tạ ha, sản lượng 71.700 tấn. Toàn tỉnh cũng dự kiến đưa vào sản xuất 8.700 ha sắn, 2000 ha khoai lang, 1.200 ha lạc, 7.900 ha rau, đậu các loại....
Vụ đông xuân 2020 -2021, tiết đại hàn vào ngày 20/1/2021, đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm cao nhất trong năm; tiết lập xuân ngày 3/2/2021.
Trên cơ sở đó, tùy thời gian sinh trưởng của từng giống cây trồng, điều kiện thực tế của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tránh rét” nàng Bân” khi lúa trỗ, tránh lụt tiểu mãn ở vùng thấp khi thu hoạch.
Trong cơ cấu giống, nông dân sử dụng các giống lúa xác nhận, trong đó, giống lúa lai chủ lực là: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, MHC2, N.ưu 69, N.ưu 89, Viêt lai 20; lúa thuần tập trung vào các giống: Hương chiêm, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, DDS1, J01, J02, Séng cù...
Các địa phương căn cứ vào điều kiện sinh thái, địa hình, chất đất và trình độ thâm canh để lựa chọn 3-4 giống lúa chủ lực đưa vào gieo cấy và 2-3 giống dự phòng.
Văn Thông