Hết 30/11, tổng giá trị giải ngân của tỉnh đạt hơn 653 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch. Kết quả này chưa đạt yêu cầu đề ra do có quá nhiều khó khăn vướng mắc.
Kết quả giải ngân đạt thấp chủ yếu do thủ tục
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 tỉnh có 12 dự án được giao kế hoạch vốn ODA, trong đó có 6 dự án về cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra và cam kết sẽ giải ngân 100% vốn đã giao; 6 dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao với tổng số vốn trên 146 tỷ đồng.
Nguyên nhân do khó khăn vướng mắc về các thủ tục điều chỉnh dự án; tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của nhà tài trợ...
Cụ thể, các dự án như: Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh là dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, do là dự án có quy mô xây dựng công trình là công trình cấp đặc biệt nên công tác thẩm tra, thẩm định theo quy định hiện hành là do các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thực hiện.
Quá trình này mất nhiều thời gian, nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng, tổ chức trao thầu của gói thầu số 41 chậm hơn so với dự kiến 6 tháng.
Do đó, dự án được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề nghị ra hạn thời hạn thực hiện đến 31/12 và gia hạn thời gian giải ngân đến 30/6/2021, nên số vốn đã giao kế hoạch năm 2020 không giải ngân hết. UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2020 của Dự án là trên 15,5 tỷ đồng.
Dự án Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tỉnh Yên Bái theo kế hoạch năm 2020, chủ đầu tư sẽ tiến hành thủ tục rút vốn trên cơ sở kiểm đếm kết quả thực hiện sau 3 năm thực hiện (2016 - 2019) để tính toán giá trị thực hiện sau đó trừ đi số kinh phí đã ứng để rút vốn năm 2020.
Do vậy, để có nguồn vốn thực hiện năm 2020 thì phải có kết quả kiểm đếm, kiểm toán kết quả năm 2019.
Những nội dung này đã được thực hiện vào tháng 8/2020; sau đó, được tổng hợp gửi cho Ngân hàng Thế giới thẩm định và chấp thuận; từ đó, thủ tục rút vốn mới được chấp thuận.
Vì vậy, đến tháng 10/2020 nguồn vốn mới được Trung ương cấp về là trên 69 tỷ đồng; do đó, dự án không đủ thời gian để thực hiện giải ngân hết số vốn kế hoạch đã giao và đề nghị điều chỉnh giảm vốn hơn 11,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương cấp là trên 10,6 tỷ đồng, vốn tỉnh vay lại là 973 triệu đồng.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Yên Bái hiện đang chậm tiến độ do công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn.
Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Yên Bái vay vốn WB chậm do công tác đo đạc bản đồ thu hồi, công tác xác định giá đất cụ thể để lập phương án bồi thường còn chậm; thủ tục rút vốn mất nhiều thời gian.
Mặt khác, theo quy định của Sổ tay hướng dẫn việc chỉ cho phép tạm ứng 25% số vốn ODA còn lại của mỗi tỉnh đã gây khó khăn trong hạn mức rút vốn để thanh toán cho các nhà thầu.
Cũng do Dự án được giải ngân dựa trên kết quả, nên việc giải ngân phụ thuộc vào việc xác minh kết quả của đơn vị kiểm toán Nhà nước...
Ngoài ra, việc giải ngân vốn ODA chậm còn do năng lực cũng như tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn hạn chế. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện công tác quản lý dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư 16/2016/TT-BXD, ngày 30/6/2016.
Theo đó, các ban quản lý chuyên ngành trên địa bàn tỉnh được giao làm chủ đầu tư các dự án ODA. Tuy nhiên, một số ban quản lý dự án còn chưa đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm hợp tác quốc tế, xử lý vướng mắc đối với các nhà thầu nước ngoài, trình độ quản lý dự án và thanh toán quốc tế còn hạn chế nên cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Quyết tâm giải ngân theo kế hoạch
Mặc dù gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ giải ngân chậm nhưng tỉnh phấn đấu đến 31/1/2021, tổng giá trị giải ngân đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, đạt 85,42% kế hoạch được giao.
Tỉnh xác định rõ việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn vay là yếu tố quan trọng để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch về giải ngân.
Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có vốn giao lớn nhưng giải ngân chậm, giải ngân thấp để có biện pháp tháo gỡ.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương là cơ quan chủ quản các dự án thực hiện giải ngân theo cơ chế vay dựa trên kết quả đầu ra cần đẩy nhanh công tác kiểm đếm xác minh kết quả để địa phương có điều kiện thực hiện các thủ tục rút vốn và giải ngân dự án.
Đề nghị các cơ quan điều phối tại các bộ, ngành Trung ương đang thực hiện các dự án ô (là chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình dự án cần xem xét linh hoạt hơn trong việc thực hiện các thủ tục rút vốn nước ngoài cho các dự án tại địa phương với phương pháp địa phương nào có đề xuất rút vốn trước) cần được xử lý sớm mà không chờ đủ số đơn rút vốn từ tất cả các địa phương tham gia dự án ô mới thực hiện các thủ tục rút vốn như hiện nay.
Để nghị cho phép giải ngân nguồn vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn vay lại một cách độc lập.
Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục cấp ý kiến pháp lý, hiệu lực của Hiệp định, hợp đồng cho vay lại cho Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái vay vốn Quỹ Ả rập Xê út để tỉnh có căn cứ tổ chức thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đã giao kế hoạch.
Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát đẩy nhanh tiến độ sửa đổi bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020; Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng đồng bộ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn nước ngoài nhưng tránh phát sinh thêm các thủ tục hành chính không cần thiết.
Hồng Duyên