P.V: Thưa ông! Đề nghị ông cho biết tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
Ông Đặng Bình Nguyên: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh không có địa phương nào còn bệnh DTLCP. Đầu năm 2020, DTLCP xảy ra tại 32 hộ của 20 thôn, bản, tổ thuộc 13 xã, phường, thị trấn ở 04 huyện, thành phố gồm: Lục Yên, Trấn Yên, Mù Cang Chải, thành phố Yên Bái. Tổng số lợn ốm, chết, mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định là 348 con, trọng lượng 19.161,5 kg.
Gần đây nhất, DTLCP xảy ra tại thành phố Yên Bái từ ngày 10/9/2020 ở 12 thôn, tổ dân phố của 8 xã, phường làm 132 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy, trọng lượng 10.549,5 kg. Đến nay, dịch bệnh đã qua 21 ngày, không phát sinh lợn mắc bệnh.
P.V: Đề nghị ông cho biết những bài học kinh nghiệm nào được rút ra từ công tác phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua? Thưa ông!
Ông Đặng Bình Nguyên: DTLCP diễn biến phức tạp, kéo dài và gây thiệt hại lớn nhất cho ngành chăn nuôi từ trước đến nay.
Tuy nhiên, việc tập trung phòng, chống dịch đã đem lại hiệu quả tích cực khi Yên Bái vẫn duy trì được tổng đàn lợn hiện có trên 490 nghìn con. Nếu so sánh số liệu bệnh DTLCP đến thời điểm ngày 9/12/2020 với năm 2019 đã tiêu hủy 28.098 con lợn, trọng lượng 1.265,319 tấn thì là rất thấp.
Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống DTLCP như sau:
Thứ nhất, có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, giám sát tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời.
Thứ hai, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở, hướng dẫn chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh; các cơ sở, người chăn nuôi triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống.
Thứ ba, có sự chủ động từ phía người dân, người chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh. Đặc biệt, những hộ chăn nuôi quy mô lớn, khu chăn nuôi tập trung đã áp dụng các biện pháp phòng và cách ly nghiêm ngặt, tránh mầm bệnh lây lan.
P.V: Đề nghị ông cho biết về dự báo nguy cơ bệnh DTLCP từ nay đến cuối năm?
Ông Đặng Bình Nguyên: Theo thông tin của Cục Thú y, hiện nay trên địa bàn cả nước có 352 xã thuộc 123 huyện của 31 tỉnh, thành phố có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày, trong đó có các tỉnh giáp với Yên Bái như: Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai...
Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2020, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút bệnh có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu tại môi trường.
Nhiều hộ chăn nuôi nhập đàn nhưng chưa thực hiện tốt việc khai báo với chính quyền địa phương; chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, nguồn con giống không bảo đảm, không rõ nguồn gốc; cơ sở giết mổ chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa được quản lý.
Trong khi đó, tâm lý người chăn nuôi có phần chủ quan trong phòng chống bệnh do DTLCP có chiều hướng không bùng phát mạnh như năm 2019.
P.V: Trên cơ sở dự báo đó, Chi cục đưa ra khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi?
Ông Đặng Bình Nguyên: Dù năm 2020 DTLCP không bùng phát mạnh như năm 2019 nhưng người chăn nuôi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác phòng bệnh. Để tiếp tục chủ động phòng chống hiệu quả DTLCP trong thời điểm gần đến tết Nguyên đán, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đưa ra khuyến cáo đối với các hộ chăn nuôi như sau:
Một là, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh; tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Hai là, đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh, trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại.
Ba là, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học như che chắn chuồng trại; phải bảo đảm tuân thủ các vấn đề bảo hộ khi ra vào khu vực chăn nuôi, luôn tuân thủ nghiêm ngặt và không để người ngoài vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt là người vận chuyển, buôn bán, giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; con giống để chăn nuôi phải bảo đảm rõ nguồn gốc.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại nhằm khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững.
Bốn là, người chăn nuôi cần mua con giống có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường vì đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan rộng. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương, thú y cơ sở để lấy mẫu xác định nguyên nhân đồng thời tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (thực hiện)