Thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản tại địa phương, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Ông Nhâm Xuân Trường - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Yên Bái cho biết: tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Xác định tầm quan trọng của Chương trình đối với người dân nông thôn, ngày 01/7/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1158/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, cố gắng của chủ thể kinh tế nên Chương trình OCOP ở Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên động lực mới trong XDNTM, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đến hết tháng 8 năm 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã đánh giá, phân hạng được 30 sản phẩm tham gia Chương trình gồm: 5 sản phẩm đạt 4 sao; 25 sản phẩm đạt 3 sao; dự ước đến hết năm 2020 tỉnh Yên Bái sẽ tiêu chuẩn hóa được trên 70 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao...
Năm 2020, thực hiện Chương trình hành động số 190-CTr/TU của Tỉnh ủy, giao thực hiện tiêu chuẩn hóa từ 70 sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thường trực Chương trình, các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP.
Đến nay, tỉnh đã lựa chọn được 86 sản phẩm có lợi thế tại mỗi địa phương, xác định chủ thể thực hiện tham gia chương trình; trong đó, có 25 sản phẩm thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Bưởi Đại Minh là giống bưởi ngon được nhiều nơi biết đến bao đời nay và là sản vật dùng để tiến vua một thời. Tuy nhiên, do trước đây bà con chỉ quen với việc trồng, chăm sóc, thu hái… theo truyền thông nên giá trị kinh tế chưa cao.
Từ khi vùng bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao, vào năm 2019, hàng trăm hộ dân khác ở xã Đại Minh đã chuyển đổi trồng, chăm sóc, thu hái bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau khi tham gia chuỗi sản xuất sạch hữu cơ, giá trị từ cây bưởi được nâng lên; rễ cây khỏe hơn, quả đẹp hơn và để được lâu hơn… Theo đó, quả bưởi Đại Minh được các doanh nghiệp bao tiêu, phân phối gần như toàn bộ.
Để thực hiện được mục tiêu về hỗ trợ cũng như phát triển các sản phẩm OCOP đối với vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh đã quan tâm triển khai hỗ trợ đào tạo nhân lực (đội ngũ giám đốc, nhân viên kinh doanh, kế toán trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có phương án sản xuất, kinh doanh được cấp thẩm quyền phê duyệt) đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Hỗ trợ lãi suất tín dụng theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện theo Quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ Tài chính cho tất cả các sản phẩm tham gia trên địa bàn tỉnh (chưa có chính sách riêng đối với các sản phẩm phát triển tại các xã đặc biệt khó khăn).
Năm 2020 dự kiến hỗ trợ các sản phẩm mới tham gia chương trình 50 triệu/sản phẩm và sản phẩm đã có là 30 triệu/sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được thực hiện huy động và thực hiện lồng ghép gắn với chương trình XDNTM tỉnh Yên Bái đến năm 2020 như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; chính sách xúc tiến thương mại; chính sách ngành nghề nông thôn; chính sách phát triển du lịch nông nghiệp và chính sách phát triển chuỗi giá trị...
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái là hướng đi đúng và là một trong những giải pháp góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn với phát triển từ nội lực và điều kiện tự nhiên, văn hóa của từng địa phương.
Quang Thiều