10 năm qua, kinh tế của Yên Bái đã có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,64%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 2,58 lần so với năm 2010.
Trong sản xuất nông - lâm, nghiệp đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực như: quế, măng tre Bát độ, sơn tra, lúa đặc sản chất lượng cao, chè, dâu tằm, rừng trồng sản xuất…
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Bái đã trở thành điểm sáng của các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh hiện có 74/150 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 3 xã Tuy Lộc, Minh Bảo, Âu Lâu của thành phố Yên Bái đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.Huyện Trấn Yên được công nhận đạt chuẩn NTM và thành phố Yên Bái haonf thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn.
Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ với 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa; 92% số thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% các xã và 85% thôn, bản được cung cấp dịch vụ Internet; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,21% năm 2016 xuống còn 7,56% vào năm 2020.
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án: "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, HND tỉnh đã thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt trong thực hiện Kết luận 61 thông qua các hoạt động tuyên truyền, phối hợp và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
HND các cấp trong tỉnh đã thể hiện được vai trò trong các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp, phối hợp dạy nghề, vận động xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các hình thức kinh tế tập thể. Hội đã tham mưu giúp UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và 9/9 huyện, thị, thành phố thành lập Quỹ cấp huyện.
Đến nay, tổng nguồn quỹ toàn tỉnh là gần 11,4 tỷ đồng (tăng trên 53 lần so với năm 2010) triển khai ở 83 dự án với 389 hộ vay. Hiện, toàn tỉnh có 162/173 xã với trên 27.700 hộ nông dân có dư nợ vay gần 1.400 tỷ đồng thông qua các chương trình phối hợp giữa HND với các ngân hàng, góp phần hỗ trợ các hội viên có vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, thu nhập, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình hành động số 144 và 190 của Tỉnh ủy, các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nông dân xây dựng được 88 tuyến đường tự quản theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp; 73 tuyến đường thắp sáng đồng quê, xây dựng 103 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thế mạnh của từng địa phương; thành lập được 363 tổ hợp tác, 23 hợp tác xã đã khảo sát, lựa chọn, xây dựng 10 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và đăng ký với tỉnh xây dựng 13 sản phẩm OCOP trong năm 2020; giúp đỡ được 306 hộ thoát nghèo. Tổ chức HND trong tỉnh đã không ngừng được xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.
Trong 10 năm đã thành lập thêm 21 chi hội, kết nạp mới được 16.208 hội viên, nâng tổng số chi hội và hội viên toàn tỉnh lên 1.302 chi hội và 116.000 hội viên, chiếm 80,5% số hộ nông dân toàn tỉnh; đến nay 100% xã, phường thị trấn và 95% thôn, bản đều có tổ chức Hội.
Trong thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM của tỉnh miền núi Yên Bái, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, một nông thôn văn minh, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Hà Anh