Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh và là cây cầu lớn vượt sông Hồng đầu tiên của huyện Trấn Yên với sứ mệnh kết nối các xã phía hữu ngạn sông Hồng với trung tâm huyện, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề, động lực để tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Trấn Yên nói riêng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới.
Đến huyện Trấn Yên những ngày này, đâu đâu cũng thấy cờ, hoa rực rỡ, nét vui tươi rạng ngời trên từng khuôn mặt. Đôi bờ sông Hồng phía thị trấn Cổ Phúc và xã Y Can lúc nào cũng nhộn nhịp người lao động hoàn thiện công trình cầu hoặc đến nhìn ngắm cây cầu mong ước bấy lâu nay của họ với niềm hân hoan, phấn khởi.
Trong dòng người đó, chúng tôi gặp một cụ già đi chiếc xe đạp cũ kỹ đang chăm chú nhìn ngắm cây cầu trong nắng hoàng hôn. Qua hỏi chuyện, được biết cụ tên là Nguyễn Hữu Chiên ở khu phố 6, thị trấn Cổ Phúc từng gắn bó làm thủy lợi ở xã Y Can trong những năm 60 của thế kỷ trước. Nay dù đã 81 tuổi, nhưng cứ vài ngày cụ lại đạp xe ra đây xem thi công công trình.
Nhìn cây cầu giờ đã hoàn thiện, vươn xa nối đôi bờ sông Hồng, cụ Chiên không khỏi xúc động: "Vậy là, mong ước bao đời nay của nhân dân huyện Trấn Yên đã thành sự thật. Giờ đây, tôi có thể tự mình đạp xe sang Y Can tận mắt chứng kiến xem nơi mình đã từng gắn bó làm việc giờ đổi thay ra sao. Rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền”.
Với việc công trình cầu Cổ Phúc hoàn thành, đưa vào sử dụng, hàng nghìn người dân Trấn Yên phía hữu ngạn sông Hồng sẽ đi lại thuận tiện, an toàn hơn và không còn cảnh chờ đợi, tốn thời gian, tiền bạc cho những chuyến đò ngang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm mỗi khi mưa lũ.
Anh Nguyễn Thanh Tiến, thôn Bình Minh, xã Y Can vui mừng cho biết: "Do tính chất công việc, nên ngày nào tôi cũng qua đò từ 2 đến 4 lần. Nhiều lúc lỡ đò phải đi vòng mất mấy chục cây số vừa mệt mỏi lại mất thời gian. Tính ra, mỗi năm mất gần 300 tiếng chờ đò và khoảng 3 triệu đồng tiền phí, nhưng tất cả những cái đó sẽ chỉ còn là ký ức. Còn bây giờ, chỉ mất vài phút chạy xe là đã có mặt ở cơ quan. Quan trọng hơn, cây cầu sẽ giúp cho người dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
Niềm vui, sự háo hức, ngóng trông của hàng trăm nghìn người dân huyện Trấn Yên càng được nhân lên khi cầu Cổ Phúc được hoàn thành chỉ sau đúng 1 năm triển khai xây dựng, nhanh hơn 8 tháng so với dự kiến ban đầu. Kết quả trên, là sự nỗ lực của các bên nhưng trước hết phải kể đến sự đồng thuận, chung sức, hợp tác của người dân trong giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Có gần 140 hộ cùng 3 tổ chức phải thu hồi đất để phục vụ dự án; trong đó, nhiều hộ mất ruộng nương, vườn tược; thậm chí, mất cả nhà cửa.
Trước bài toán khó này, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân được tham gia đầy đủ các cuộc họp của địa phương và được công khai đóng góp ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng ngay từ khi lập quy hoạch, công bố quy hoạch dự án đến khi kiểm đếm, bồi thường.
"Các kiến nghị chính đáng đều được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Do vậy, dự án đã nhận được sự thống nhất, đồng thuận cao từ phía người dân nên chỉ trong thời gian ngắn, mặt bằng sạch được giao cho đơn vị thi công triển khai xây dựng” - ông Đông nói.
Quá trình thi công, các nhà thầu cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên rất khó tập trung nhân lực. Thêm vào đó, điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, với năng lực và bề dày kinh nghiệm, nhà thầu chính là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính luôn đưa ra những giải pháp tốt nhất. Hàng trăm công nhân thường xuyên có mặt làm việc 3 ca liên tục tại công trường. Đặc biệt, nhiều thời điểm nước lũ dâng cao nhưng do đã tính toán kỹ phương án vượt lũ nên không ảnh hưởng gì đến tiến độ của dự án.
Ông Trần Hưng Lam - Trưởng ban Điều hành dự án công trình cầu Cổ Phúc thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết: "Quá trình thi công cầu, các đồng chí lãnh đạo từ Thường trực Tỉnh ủy đến các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên có mặt tại công trường để kiểm tra tiến độ, thăm hỏi, động viên cán bộ quản lý, công nhân lao động trực tiếp nỗ lực vượt lên khó khăn thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng, sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng, đáp ứng sự trông đợi của nhân dân. Sự quan tâm đó, là nguồn cổ vũ, động viên quan trọng để ngày hôm nay cầu Cổ Phúc chính thức hoàn thành, vượt tiến độ 8 tháng so với cam kết”.
Cầu Cổ Phúc là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhưng có ví trị, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là với đồng bào các dân tộc huyện Trấn Yên phía hữu ngạn sông Hồng.
Cùng với đường dẫn 2 bên cầu, khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối các xã hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên với trung tâm huyện. Cầu hoàn thành đã mở ra cơ hội lớn, tạo đà bứt phá đi lên đối với các xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bên phía hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên như: Minh Tiến, Quy Mông, Kiên Thành... tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương mang tính kết nối liên vùng.
Đơn vị thi công đang hoàn tất những phần việc cuối cùng trước ngày khánh thành cầu Cổ Phúc.
Ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: "Cầu Cổ Phúc khi hoàn thành sẽ góp phần tạo nên một hệ thống giao thông thuận lợi cho giao thương, đi lại của nhân dân. Kết nối tuyến đường tỉnh 163, đường tỉnh 166 và các xã, thị trấn hai bên tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên và vùng phụ cận với tuyến quốc lộ 37, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng không gian phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh nói chung”.
Cầu Cổ Phúc được hoàn thành là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần và quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhanh chóng vào cuộc sống. tỉnh tiếp tục xác định tập trung vào thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược.
Trong đó, có đột phá về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mà trọng tâm là hạ tầng giao thông nhằm hình thành các tuyến kết nối liên vùng, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư tại tỉnh Yên Bái.
Công trình cầu Cổ Phúc có tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng phần cầu và đường dẫn hai đầu cầu là 211 tỷ đồng, còn lại là chi phí khác. Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 6 nhịp, dài khoảng 400m, rộng 12 m. Điểm đầu của Dự án tại nút giao ngã ba nhà thờ trên tuyến đường tỉnh lộ 163 (đường Yên Bái - Khe Sang) lý trình Km14 + 800 thuộc thị trấn Cổ Phúc; điểm cuối Dự án giao cắt với tuyến đường tỉnh lộ 166 (đường Âu Lâu - Đông An) tại lý trình Km8 + 700 thuộc xã Y Can. |
Hùng Cường