Chăn nuôi gia súc là một nguồn thu nhập chính của gia đình anh Giàng A Thái ở thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Rút kinh nghiệm của các đợt rét đậm, rét hại một số năm về trước, khi mùa đông đến, gia đình anh chủ động gia cố lại chuồng trại, tích trữ rơm rạ, ngô, cám gạo để làm thức ăn cho vật nuôi… Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dịch định kỳ cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Nhờ vậy, trâu, bò, lợn, dê của anh luôn khỏe, phát triển tốt.
Anh Thái cho biết: "Những năm qua, nhờ tích cực chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, mua sắm các đồ dùng tiện nghi, sửa sang lại nhà cửa và đầu tư cho con cái học hành. Để bảo vệ đàn trâu, bò của gia đình không bị đói rét, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, quây bạt kín giúp chuồng trại khô ráo, tránh gió lùa và khi nhiệt độ xuống thấp tuyệt đối không thả rông trâu, bò”.
Bản Mù là một trong những xã có đàn gia súc lớn của huyện, với 7.500 con gia súc; trong đó, đàn trâu trên 1.300 con, bò gần 1.300 con, lợn 4.800 con và gần 1.500 con ngựa, dê. Để đàn gia súc không bị chết do đói rét, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân cần thực hiện tốt việc dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cố chuồng trại, tích cực trồng cỏ voi để có đủ nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò, ngựa, dê… trong mùa đông.
Đối với những con gia súc già yếu và non, cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Đi đôi với tuyên truyền, Đảng ủy, chính quyền xã còn thực hiện tiêm phòng cho gia súc đạt trên 96%.
Ông Giàng A Chú - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết: "Nhằm chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông, Đảng ủy, chính quyền xã đã tổ chức rà soát, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi làm chuồng trại kiên cố để nuôi nhốt gia súc trong mùa rét. Yêu cầu bà con vào thời điểm rét đậm, rét hại không được thả rông gia súc, đặc biệt là vào những ngày thời tiết lạnh giá nhiệt độ ở dưới 12oC. Nếu trời rét quá thì đốt lửa sưởi ấm cho gia súc… Hiện, nhân dân trong xã đã nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống đói rét cho vật nuôi”.
Với khí hậu khắc nghiệt như ở huyện Trạm Tấu, thời gian rét đậm, rét hại thường kéo dài từ đầu tháng 11 âm lịch của năm trước đến tháng hết tháng 2 âm lịch năm sau. Trong thời gian này thường xuất hiện sương muối; thậm chí, có cả băng tuyết nên thường gây hại đến gia súc.
Nhận thức rõ sự nguy hại này, ngay từ đầu mùa đông, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nắm chắc kiến thức, kinh nghiệm và sẵn sàng các biện pháp hiệu quả để phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc.
Cùng đó, chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên cập nhật diễn biến về khí hậu, thời tiết, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để thông báo cho nhân dân có biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc kịp thời. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cử cán bộ xuống thôn, bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nhân dân thực hiện tốt phòng, chống rét cho gia súc.
Hiện, toàn huyện có trên 35.000 con gia súc; trong đó, gần 9.000 con trâu, trên 5.000 con bò, 21.000 con lợn và hàng nghìn con ngựa, dê. Được biết, đã có tới 91% số hộ chăn nuôi gia súc xây dựng được chuồng trại kiên cố, che chắn kín đáo đảm bảo giữ ấm cho gia súc. Cùng đó, việc tích trữ thức ăn khô, trồng cỏ voi làm thức ăn xanh, thuốc phòng, chống dịch bệnh… đã được nhân dân chuẩn bị đầy đủ.
Ông Hảng A Thào - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu trao đổi: "Là cơ quan quản lý về nông - lâm nghiệp, ngay từ khi mới bước vào đầu mùa đông, Phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn cần làm tốt việc bảo vệ đàn vật nuôi. Chủ động trồng cỏ voi, dự trữ thức ăn khô để đảm bảo có đủ thức ăn cho gia súc qua mùa đông. Đề nghị các xã, thị trấn chỉ đạo nhân dân không thả rông gia súc trong những đợt rét đậm, rét hại để tránh tổn thất đến đàn vật nuôi”.
Sùng A Hồng