Theo đó, bên cạnh việc quây kín chuồng trại, giữ ấm cho trâu, bò, người dân còn thường xuyên bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng, nhằm bảo vệ gia súc trước đợt lạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay.
Đến huyện Mù Cang Chải những ngày này, giá rét, sương mù bao trùm khắp các bản làng. Từ đèo Khau Phạ đến các đỉnh núi ở Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Chế Tạo đều chìm trong buốt giá; thậm chí, tại đỉnh đèo Khau Phạ từ sáng 9/1, đã xuất hiện băng giá khiến cây cối phủ màu trắng toát.
Ông Lý Sinh Chư, bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt đã dùng bạt quây kín chuồng để chắn gió, giữ ấm cho đàn bò. Ông Chư cho biết: "Ngay khi nhận được khuyến cáo của trưởng thôn, tôi lùa bò về chuồng rồi dùng bạt quây lại, lấy rơm rạ, cắt cỏ cho ăn ngay tại chuồng. Qua mấy ngày rét, tôi thấy đàn bò vẫn khoẻ mạnh, chưa có dấu hiệu bị ốm yếu hay cước chân”.
Theo ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, những ngày qua nhiệt độ trên địa bàn xã thường xuyên dưới 10 độ C; thậm chí, vào sáng sớm hay đêm chỉ còn 1 đến 2 độ C nên chúng tôi coi việc chỉ đạo chăm sóc, chống rét cho trâu, bò được đặt lên hàng đầu. Xã đôn đốc bà con đưa trâu bò về chuồng, dự trữ thức ăn và chống rét bằng cách đốt lửa sưởi ấm, che chắn chuồng trại thật kín cho trâu bò đỡ bị lạnh.
Qua thống kê, huyện Mù Cang Chải hiện có trên 14.700 con trâu, trên 7.700 con bò. Trước dự báo về các đợt rét đậm, rét hại lần này, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn triển khai các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi.
Ông Hoàng Văn Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Những ngày này, đơn vị cử cán bộ xuống từng địa bàn phụ trách để kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các hộ chăn nuôi phải tiến hành che chắn, gia cố chuồng trại bảo đảm nơi nuôi nhốt gia súc khô ráo, kín gió để giữ ấm cho trâu, bò. Đồng thời, tăng cường nhắc nhở, hướng dẫn người dân thường xuyên bổ sung thức ăn tinh và cách nhận biết các dấu hiệu khi vật nuôi bị suy yếu do lạnh, đói để có các biện pháp can thiệp kịp thời”.
Cùng với huyện Mù Cang Chải, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, bảo vệ đàn gia súc. Tại các xã vùng cao huyện Văn Chấn, ngay khi nhiệt độ xuống thấp, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các xã đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn trâu, bò và cây trồng vụ đông xuân.
Gia đình ông Hà Văn Trương, thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn quây bạt quanh chuồng để bảo vệ đàn trâu, bò trong đợt rét đậm, rét hại lần này.
Bà Bàn Thị Náy - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Quá trình đi kiểm tra, rà soát cho thấy, trong đợt rét lần này, các hộ đã chủ động cho gia súc về nuôi nhốt tại chuồng; đồng thời, thực hiện che chắn chuồng trại và bổ sung đầy đủ thức ăn. Tuy nhiên, địa phương cũng nhắc nhở bà con phải thực hiện thêm các biện pháp giữ ấm cho vật nuôi tại chuồng khi đợt lạnh kéo dài như: thắp bóng đèn điện và đốt lửa sưởi ấm cạnh chuồng”.
Theo ông Hoàng Hữu Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn: "Cùng với việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc trong đợt rét đậm, rét hại này, huyện cũng tuyên truyền, vận động nông dân phủ ni lông đối với những diện tích mạ đã gieo để giữ ấm cây trồng và tạm dừng việc ngâm ủ thóc giống cho đến khi có thông báo lại”.
Được biết, trước diễn biến thời tiết phức tạp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra; ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ đi kiểm tra và cùng với bà con triển khai các biện pháp kỹ thuật; trước mắt, dùng củi trấu đốt để sưởi ấm chống rét cho trâu, bò; bổ sung thêm thức ăn tinh từ 1 kg - 1,5 kg/1 con trâu, bò/ngày và cho ăn đủ rơm rạ, đun nước nóng ấm cho trâu bò uống.
Cùng đó, dùng chăn cũ hoặc bao tải để may áo chống rét cho trâu, bò; tuyệt đối không cho trâu, bò ra chăn thả ngoài đồng và cày kéo trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại này; đồng thời, tạm dừng việc ngâm ủ, gieo mạ, thực hiện căng phủ bạt ni - lông với những diện tích đã gieo mạ.
Theo rà soát, tại các địa phương hiện chưa có con trâu, bò bị chết trong đợt rét đậm, rét hại lần này, nhưng với diễn biến cực đoan của thời tiết hiện nay, rét lạnh kéo dài, kèm theo sương muối làm tàn lụi cây cỏ, thiếu thức ăn tự nhiên, sức đề kháng kém làm trâu, bò dễ chết hàng loạt. Cùng đó, các bệnh: cước chân, tụ huyết trùng… rất khó cứu vãn.
Do vậy, chính quyền các địa phương cần tăng cường đôn đốc, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp giữ ấm, chống rét cho vật nuôi và bổ sung đầy đủ thức ăn, nhất là thức ăn tinh để nâng cao sức đề kháng, chống chịu của trâu, bò.
Hùng Cường