Hơn trăm lao động đang làm việc hết công suất, nhưng hợp tác xã (HTX) vẫn phải tuyển thêm 150 lao động để có thể có đủ nhân lực làm việc lúc cao điểm cuối năm. HTX Quế hồi được thành lập tháng 4/2017, tại thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, với tổng vốn điều lệ 10 tỷ đồng cùng 22 thành viên; lĩnh vực đăng ký hoạt động là sản xuất, kinh doanh tinh dầu quế, hồi, bột quế, bột hồi, sơ chế, chế biến vỏ quế, hoa hồi, trồng và khai thác các sản phẩm từ quế…
Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc HTX chia sẻ: sau hơn 3 năm hoạt động, đến nay, HTX thu hút gần 300 lao động ổn định và lao động thời vụ. Trong thời gian hoạt động, HTX luôn được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh: cho thuê đất 16.000 m2 để xây dựng nhà máy chế biến quế hữu cơ với công suất 40.000 lít tinh dầu quế/năm và 2.000 tấn sản phẩm quế khô/năm.
Hiện, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng xong nhà máy chế biến quế hữu cơ có công suất 2.000 tấn sản phẩm quế khô/năm và đi vào hoạt động năm 2019. HTX đã thành công trong sản xuất quế theo chuỗi hữu cơ và được tổ chức Control Union của Châu âu cấp chứng nhận Organic (hữu cơ) theo tiêu chuẩn Châu âu và Nhật Bản cho 500/700 ha quế tại xã Đào Thịnh.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh cán bộ, xã viên HTX vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm, cải tiến hệ thống quản lý chuyên nghiệp, đưa ra các giải pháp đổi mới công nghệ, áp dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể là, cải tiến hệ thống sấy, hệ thống rửa, nghiền, cắt… Việc áp dụng máy móc, thiết bị công nghệ, góp phần giảm chi phí nhân công. Nhờ vậy, sản lượng sơ chế, chế biến các sản phẩm quế, hồi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu năm 2019 đạt 200 tỷ đồng; năm 2020 ước đạt 300 tỷ đồng, tạo thêm 300 việc làm với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng và đem lại thu nhập ổn định cho 22 thành viên.
HTX Quế hồi đi vào hoạt động, đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, gắn kết quan hệ giữa HTX với nhân dân và là đơn vị có uy tín cao trên thị trường trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm quế, hoa hồi và dần vươn tầm đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất gia vị tại Việt Nam. Hàng năm, HTX kết hợp với các tổ chức hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây quế theo quy trình hữu cơ.
Đến nay, vùng nguyên liệu của HTX được tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận hữu cơ. HTX và Công ty Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam được EU, JAS, USDA, Korean chứng nhận hữu cơ quốc tế và các chứng nhận có giá trị khác như HACCP, UEBT, Forlife, IFS… Nhờ đó, các sản phẩm quế của HTX bán được giá cao hơn, xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Có thể khẳng định, HTX Quế hồi ra đời không những nâng tầm thương hiệu cây quế ở huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái ở địa phương.
Được biết, để đồng hành cùng HTX các cấp, ngành sở tại hỗ trợ đơn vị được thụ hưởng các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hàng năm; hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về làm việc; hỗ trợ về thuế đất; hỗ trợ tham gia các chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ trong, ngoài tỉnh.
Vừa qua, HTX được thụ hưởng đề án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ Trấn Yên, với tổng kinh phí thực hiện là 5,23 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 2,53 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của HTX là 2,7 tỷ đồng.
Phạm Quang