Sáng 18/1, trao đổi với phóng viên báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích cụ thể, dịp Tết năm nay, vấn đề khiến dư luận bày tỏ nhiều băn khoăn liên quan đến chỉ đạo "cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Người phát ngôn Chính phủ nêu rõ, chỉ đạo của Thủ tướng xuất phát từ thực tế, cứ mỗi dịp Tết lại có hiện tượng đào, mận mọc tự nhiên trong rừng bị chặt phá, khai thác quá nhiều, không có kiểm soát để mang về xuôi bán, trong đó không ít những cây đào cổ thụ cũng bị cắt tận gốc. Đó là sự tàn phá tự nhiên, xâm hại rừng. Vậy nên, Thủ tướng có chỉ đạo để triệt để ngăn chặn tình trạng phá hoại rừng.
Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng là nhằm cấm chặt đào rừng tự nhiên chứ không cấm mua bán đào do người dân miền núi hoặc miền xuôi trồng. Với đào do người dân trồng trong vườn trong rẫy, trồng ở khu vực rừng trồng để khai thác, bán dịp Tết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cần khuyến khích, vừa giúp đáp ứng cung - cầu của thị trường, vừa giúp người lao động, hộ nông dân có thêm thu nhập.
Ông Dũng phân tích, cành đào gắn với tiết xuân, ngày Tết. Những cành đào về phố mỗi dịp Tết cũng là hình ảnh đẹp, đặc trưng, làm náo nức không khí, sức sống mới từ từng tuyến đường, khu chợ hoa cho tới mỗi gia đình. Thiếu vắng hình ảnh đó cũng là một "khiếm khuyết" với ngày Tết.
Ngoài ra, việc mua bán, tiêu thụ đào là nhu cầu có thực, giúp khuyến khích người dân trồng thêm cây để cung cấp cho người tiêu dùng khi Tết đến xuân về.
Từ đó, với thông tin một số tỉnh miền núi phía Bắc kiến nghị dán tem để truy xuất nguồn gốc đào đưa về thành phố bán dịp Tết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, Chính phủ ủng hộ đề xuất này.
"Việc dán tem như vậy là để minh bạch nguồn gốc cây đào, để cơ quan quản lý cũng như người dân phân biệt được đào rừng tự nhiên và đào trồng, phân biệt loại đào bị cấm chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và loại đào được khuyến khích sản xuất, khai thác" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Dù chưa đề xuất cơ quan cụ thể có thẩm quyền dán tem xác định nguồn gốc đào rừng tự nhiên hay đào trồng nhưng người phát ngôn Chính phủ cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp chịu trách nhiệm về việc này là phù hợp. Ông cũng nhận định, việc kiểm soát để chặn được hiện tượng chặt phá đào rừng tự nhiên, tránh "lấp liếm", "tráo mác" đào trồng không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Ít ngày trước, nhiều địa phương miền núi phía Bắc đồng loạt đề xuất cho dán tem để truy xuất nguồn gốc với cây đào, vừa nhằm ngăn chặn việc khai thác đào rừng để chơi kiểng, vừa hỗ trợ người dân tiêu thụ cây đào được trồng trên đất nông nghiệp.
Theo các địa phương, sau khi Thủ tướng chỉ đạo "các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết" tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hoạt động kinh doanh đào kiểng tết, trong đó có đào được người dân vùng núi phía Bắc trồng để phục vụ nhu cầu chơi đào tết của người miền xuôi, đã bị ngưng trệ do không thể phân biệt đâu là đào rừng và đâu là đào trồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết, địa phương này vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình trồng, khai thác và thực hiện truy xuất nguồn gốc cho khoảng 5.000 ha cây đào trồng trên địa bàn.
Theo đó, Sơn La đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện việc truy xuất nguồn gốc với cây đào (xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng...) nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm đào trồng vì cây đào là nguồn thu nhập lớn của bà con dân tộc thiểu số mỗi dịp Tết Nguyên đán. Các hộ trồng đào mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, cơ quan này cũng đang xây dựng phương án chi tiết để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án chứng nhận đào trồng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ đào trồng trong mùa tết này, đồng thời ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng, cây rừng tự nhiên.
(Theo Dân Trí)