Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh trên đàn gia súc như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, bệnh xoắn khuẩn (lợn nghệ). Ngay sau khi phát hiện các loại dịch bệnh trên, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn áp dụng các biện pháp dập dịch, phòng, chống dịch.
Nhờ đó, đến thời điểm này không phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và hiện tại đang an toàn, phát triển tốt.
Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương có hiện tượng buôn bán, vận chuyển lợn trái phép qua biên giới, đặc biệt là việc chuyển lợn từ Việt Nam sang biên giới Trung Quốc; từ đó, sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn...
Từ cuối năm 2020 đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh... tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên 11.000 con.
Bên cạnh đó, thời điểm này, khi mà tết Nguyên đán đang cận kề thì việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ GSGC tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm tái phát, phát sinh, xâm nhiễm vào địa bàn và lan ra diện rộng nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 233/UBND-NLN, ngày 26/01/2021 về việc tăng cường kiểm soát, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh (Ban Chỉ đạo 389), các sở, ngành thành viên, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đàn GSGC.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thành lập các đoàn công tác trực tiếp tại các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, gia cầm và sản phẩm từ lợn, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm phòng dịch là chính; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất quanh khu vực chuồng trại; chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cho GSGC theo định kỳ...
Cùng đó, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với lực lượng công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển GSGC trái phép, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn GSGC để kịp thời xử lý, không để lây lan bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả với phương châm "Phòng dịch như chống dịch" và "Chống dịch như chống giặc”.
Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến GSGC, sản phẩm GSGC; yêu cầu các chủ hộ, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phối hợp với các địa phương, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và môi trường xung quanh bằng vôi bột, hóa chất khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng và phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hồng Duyên