Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ các đề án phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản xuất hữu cơ và thực hiện các nhóm giải pháp thực hiện cụ thể.
7 đề án với các sản phẩm chủ lực là Đề án phát triển chăn nuôi, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, Đề án phát triển chè vùng cao, Đề án phát triển cây ăn quả, Đề án phát triển tre măng Bát độ, Đề án phát triển cây quế, Đề án phát triển cây sơn tra.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể được ban hành nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủy sản và phát triển thêm các sản phẩm chủ lực có lợi thế phát triển như trồng dâu, nuôi tằm. Trong quá trình triển khai các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và giải quyết kịp thời cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Cái được lớn nhất, rõ nét nhất chính là đã xây dựng được hệ thống quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm nông - lâm nghiệp, quy hoạch NTM gắn với ban hành bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản và XDNTM một cách đồng bộ, toàn diện, đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao đặc biệt khó khăn, đồng thời từng bước phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với XDNTM.
Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh lớn như: vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha; vùng trồng dâu nuôi tằm trên 1.000 ha; vùng cây ăn quả có múi gần 10.000 ha; vùng quế 78.000 ha; vùng tre măng Bát độ 6.000 ha; vùng trồng gỗ nguyên liệu cho chế biến trên 90.000 ha...
Nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã và đang phát triển mạnh cho hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, rừng trồng bình quân đạt 50 triệu đồng/ha/năm...
Tới nay, Yên Bái đã xây dựng hình thành 10 nhóm sản phẩm chủ lực gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương (lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu).
Nhóm sản phẩm đặc sản, hữu cơ và cây dược liệu cũng có 10 sản phẩm (nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra Mù Cang Chải và Trạm Tấu, chè Shan hữu cơ (Văn Chấn, Trạm Tấu), vịt bầu Lâm Thượng, gà đen, lợn bản địa, quế hữu cơ và các chủng loại cây dược liệu).
Tỉnh đã chuyển 1.712 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, diện tích trồng ngô, rau màu và hoa cho giá trị cao gấp 2-3 lần, trồng cây lâu năm giá trị tăng từ 3,5 - 4 lần so với trồng lúa, diện tích trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (cá nước ngọt các loại), giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần.
Vùng cây ăn quả trên 9.000 ha, sản lượng đạt trên 53.000 tấn. Chỉ tính riêng vùng bưởi Đại Minh với diện tích hiện có 720 ha, tập trung tại 2 xã Đại Minh và Hán Đà, huyện Yên Bình, sản lượng đạt 15.000 tấn/năm, giá trị thu đạt 250 tỷ đồng. Vùng cam sành Lục Yên với diện tích 405 ha, tập trung tại các xã: Mường Lai, Khánh Hòa, Tân Lĩnh, Minh Xuân cho sản lượng bình quân trên 3.200 tấn/năm, giá trị đạt 25 tỷ đồng.
Trấn Yên phát triển vùng cây ăn quả trên 1.085 ha, trong đó có 761 ha cây ăn quả có múi được trồng tập trung tại các xã: Việt Thành, Hồng Ca, Hưng Thịnh, Hưng Khánh và Quy Mông. Sản lượng cây ăn quả đạt 5.340 tấn (cây ăn quả có múi là 2.449 tấn), giá trị thu nhập đạt trên trăm tỷ đồng. Thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh có 102 hộ dân thì 100% đều trồng cây ăn quả, trong đó có 70% số hộ trồng làm hàng hóa và thị trường. Diện tích cây ăn quả của thôn lên trên 70 ha, bình quân mỗi hộ 1 ha, mỗi năm bán cho thu trên 15 tỷ đồng.
Năm 2016, gia đình anh Nguyễn Văn Học ở thôn Yên Bình chuyển đổi 1 ha rừng quế sang trồng cây ăn quả. Sau 5 năm phát triển, đến nay gia đình có 400 gốc quýt Đường canh, quýt vỏ giòn và 500 gốc cam sành. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập 400 triệu đồng. Hay như việc phát triển vùng chè Shan hữu cơ trên 1.200 ha, tập trung tại huyện Văn Chấn 950 ha, Trạm Tấu 250 ha. Bình quân mỗi năm cho sản lượng búp tươi ước đạt 1.800 tấn/năm, giá trị đạt trên 40 tỷ đồng.
Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm cũng phát huy hiệu quả rõ nét, từ những héc-ta dâu đầu tiên ở Kiên Thành, Báo Đáp, nay toàn tỉnh đã có 1.160 ha dâu, sản lượng kén tằm đạt 1.200 tấn, giá trị đạt trên 120 tỷ đồng; thu nhập 1 ha trồng dâu và nuôi tằm đạt 220 - 250 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư, công lao động nông dân thu lãi 90 - 100 triệu đồng/ha. Gia đình ông Vũ Viết Lâm ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành trồng 0,5 ha dâu, mỗi năm nuôi 200 vòng tằm, thu 3 tấn kén, bán ra thị trường thu về gần 400 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, các vùng phát triển tập trung theo hướng hàng hóa và thị trường đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn làm giàu và đang dần được nhân rộng. Song song với đó là gắn với chế biến sâu và mạng lưới phân phối tiêu thụ sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất mới, tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, phù hợp với mỗi địa phương.
Thanh Phúc