Yên Bái - đất bốn mùa xanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2021 | 7:57:56 AM

YênBái - Chỉ trong vòng trên dưới 2 thập kỷ, như có "phép màu”, rừng đã hồi sinh trở lại. Không chỉ những nơi có điều kiện, rừng trồng đã lan rộng đến các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Có vị lãnh đạo địa phương chia sẻ vui: "Địa phương chúng tôi giờ không có đất để trồng rừng, bởi khai thác đến đâu bà con trồng rừng đến đó!”.

Toàn tỉnh hiện có 78.000 ha quế, không chỉ phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn mang lại no ấm cho người dân. (Ảnh: Quang Thiều)
Toàn tỉnh hiện có 78.000 ha quế, không chỉ phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn mang lại no ấm cho người dân. (Ảnh: Quang Thiều)

Dù tác động của dịch Covid-19, nhưng ngay ngày mùng 6 tết Tân Sửu, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đồng loạt tổ chức lễ ra quân trồng cây đầu xuân.

Như thông lệ, Tết trồng cây năm nay có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; của cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và đông đảo quần chúng nhân dân địa phương. Khu di tích, Nhà tưởng niệm Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 vừa được đầu tư trùng tu, tôn tạo xanh tươi, đẹp hơn khi được chọn làm địa điểm trồng cây đầu xuân của thành phố năm nay. 

Trong không khí của Lễ ra quân lao động sản xuất đầu năm, quyền Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc cho biết: "Xây dựng thành phố phát triển xanh, bản sắc và hạnh phúc, trở thành đô thị loại II, thành phố Yên Bái đang thực hiện "vườn trong nhà, nhà trong vườn”, hướng đến xây dựng "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.

Từ Lễ ra quân trồng cây tại Khu tưởng niệm, năm 2021, thành phố phấn đấu trồng 10.000 cây xanh đảm bảo đúng quy cách cây đô thị và 20 ha rừng tập trung, góp phần hoàn thành trồng 60 ngàn cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025”. 



Lãnh đạo và cán bộ công chức thành phố Yên Bái ra quân trồng cây đầu xuân Tân Sửu 2021.  

Cũng như thành phố Yên Bái, tại huyện Trấn Yên - huyện nông thôn mới đầu tiên của các tỉnh vùng Tây Bắc, phong trào trồng rừng đầu xuân diễn ra sôi nổi. Với mục tiêu phấn đấu năm 2021 trồng 2.750 ha rừng các loại, ngay ngày đầu ra quân, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã trồng được 877 ha rừng tập trung và 611.000 cây phân tán, đạt 54% kế hoạch năm. 

Còn tại huyện Văn Yên, hưởng ứng Tết trồng cây và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu trồng mới 3.065 ha rừng, trong đó rừng vụ xuân phấn đấu đạt 2.500 ha trở lên... 

Với tổng diện tích tự nhiên trên 688.767 ha, trong đó 69% diện tích (479.000 ha) của Yên Bái là đất rừng là lợi thế rất lớn về lâm nghiệp và kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, chỉ bây giờ, tiềm năng thế mạnh đó mới được quan tâm và khai thác đầy đủ. 

Chắc hẳn, lớp thế hệ 6X, 7X của thế kỷ XX trở về trước không bao giờ quên những kỷ niệm một thời mà sau mỗi giờ làm việc, học tập và những ngày nghỉ trong tuần, cán bộ, công chức, học sinh từng đoàn vào rừng lấy gỗ, chặt nứa làm chất đốt. Tốc độ khai thác khoảng 40.000 m3/năm, đã khiến rừng tự nhiên và rừng trồng Yên Bái bị tàn phá đến kiệt quệ gần tới mức giới hạn để bảo vệ sự cân bằng sinh thái. 

Số liệu thống kê năm 2000, toàn tỉnh chỉ còn 158.721 ha rừng, trong đó 123.188 ha rừng tự nhiên, trữ lượng còn 11,9 triệu m3; 35.533 ha rừng trồng, trữ lượng 0,9 triệu m3 và chỉ còn 61 triệu cây tre, nứa, vầu; so với năm 1978, diện tích đã giảm 183.456 ha, bình quân mỗi năm giảm 13.139 ha. 

Đặc biệt, chặt phá rừng làm củi đốt, trồng lương thực, khai thác tài nguyên nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra khiến tới năm 1996, diện tích đất trống đồi núi trọc của Yên Bái chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên của tỉnh với khoảng 346.000 ha. 

Nhưng chỉ trong vòng trên dưới 2 thập kỷ, như có "phép màu”, rừng  đã  hồi sinh trở lại. Rừng giờ bạt ngàn từ khắp Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trấn Yên đến thành phố Yên Bái. Không chỉ những nơi có điều kiện, rừng trồng đã lan rộng đến các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Có vị lãnh đạo địa phương chia sẻ vui: "Địa phương chúng tôi giờ không có đất để trồng rừng, bởi khai thác đến đâu bà con trồng rừng đến đó!”. 

Gìn giữ, bảo vệ trên 433.000 ha rừng tự nhiên và khoanh nuôi, trung bình mỗi năm, nhân dân Yên Bái trồng được trên 15.000 ha rừng. Vì vậy, cùng màu xanh của rừng tự nhiên, Yên Bái có thêm màu xanh của vùng nguyên liệu như keo, bồ đề, bạch đàn với khoảng 95.000 ha. 

Bức tranh xanh thắm này lại được tô điểm thêm màu xanh no ấm của trên 78.000 ha quế, của  gần 5.000 ha tre măng Bát độ và gần 10.000 ha sơn tra… 63% diện tích đất được che phủ, Yên Bái trở thành 1 trong 4 tỉnh, thành trong cả nước có độ che phủ rừng lớn nhất. 

Từ nguồn nguyên liệu phong phú, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm của Yên Bái đạt trên 500.000 m3, toàn tỉnh hình thành mạng lưới chế biến với trên 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng và bắt đầu hình thành các trung tâm chế biến quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Rừng đẻ ra tiền! Giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh từ 1.587 tỷ đồng năm 2016, tăng lên 1.800 tỷ đồng năm 2019 và đạt  1.950 tỷ đồng vào năm 2020. 



Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà. 

Người dân Yên Bái giữ rừng, trồng rừng, rừng trả ơn giúp giữ đất, giữ môi trường sinh thái, bảo vệ cuộc sống con người trước thiên tai, biến đổi khí hậu. Rừng còn tạo cảnh quan môi trường để Yên Bái là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương. Mọi sản phẩm lâm sản đều được gắn với công nghiệp chế biến, đem lại cuộc sống ấm no cho hàng vạn hộ dân Yên Bái, trong đó nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng. 

Để có màu xanh no ấm, bên cạnh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế rừng. Đó là việc ban hành nhiều chính sách để phát triển lĩnh vực lâm nghiệp như: giao khoán bảo vệ rừng; quy hoạch 3 loại rừng; giao đất, giao rừng cho người dân; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến... 

Đồng thời, luôn đổi mới cơ chế, mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng. Hàng năm, tỉnh luôn quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện các đề án tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp. 

Chính sách hỗ trợ chính là đòn bẩy kích thích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng, trong đó, việc thực hiện hiệu quả phí dịch vụ môi trường rừng thời gian qua từng bước giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho các chủ rừng và người dân làm nghề rừng. 

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm làm tốt công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, thực hiện thay thế những loài cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp, năng suất, chất lượng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh trên thị trường bằng các giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng sản phẩm gỗ đáp ứng được thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác... 

Từ những chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, qua công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, nhiều phong trào, những chủ rừng - những hộ dân Yên Bái đã nâng cao nhận thức, trân quý rừng, ứng xử với rừng như người bạn, để rừng giúp thay đổi cuộc sống! 

Từ tiềm năng, lợi thế và những kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra mục tiêu: đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững, theo hướng: xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, đây thực sự là hướng đi đúng! Vì vậy, trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp cần phát triển trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đa mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường. 

Trong đó, tiếp tục đưa sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc, sâu rộng. 

Từ phát triển rừng, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ các nguồn gen quý, hiếm; để rừng ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh… 

Chủ trương đã đúng đắn, giải pháp đã khả thi, với sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, chắc chắn màu xanh của rừng sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần đưa quê hương Yên Bái thân yêu phát triển, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đình Tứ

Tags Yên Bái đất bốn mùa xanh

Các tin khác
Mô hình táo TAO 05 của gia đình bà Triệu Thị Khúc thôn Gốc Gạo, xã Yên Hợp.

Đề tài: “Đánh giá khả năng thích ứng của giống táo TAO 05 tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” được thực hiện trong 3 năm (2017 - 2019) và triển khai tại các xã: Tân Hợp, Đông An, Đông Cuông và thị trấn Mậu A.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên.

Vừa qua, huyện Văn Yên đã cho ra mắt gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của địa phương tại khu vực đền Đông Cuông, thôn Bến Đền, xã Đông Cuông nhân dịp đầu xuân Tân Sửu 2021.

Quang cảnh Hội nghị

Chiều 24/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước chủ trì Hội nghị triển khai kế hoạch tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021.

Nhân dân Trạm Tấu tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Là huyện vùng cao, lại thường xuyên đối mặt với thời tiết khô hanh kéo dài, nên nếu sơ suất để lửa cháy vào rừng là vô cùng nguy hiểm. Do vậy, để giữ rừng, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện và Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ thực hiện tốt các phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục