Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, song song với việc tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành.
Xác định đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng là một trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tỉnh Yên Bái đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2020; chỉ đạo sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế, xã hội...
Năm 2021, kế hoạch tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh được thông qua tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII là 18.000 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư thực hiện khu vực Nhà nước là 5.300 tỷ đồng. Tháng 01/2021 là tháng đầu tiên của năm kế hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng chủ yếu là thi công những công trình chuyển tiếp và hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020 nên dự tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý chỉ đạt 211,9 tỷ đồng, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của tỉnh Yên Bái là tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Ông Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết: "Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tỉnh Yên Bái thể hiện quyết tâm khơi thông "dòng chảy” vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân vốn đầu tư công phải theo đúng quy định hiện hành và đảm bảo theo nguyên tắc: Ưu tiên thanh toán nợ xây dựng cơ bản, giá trị khối lượng hoàn thành.
Tuy nhiên, trên thực tế, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất… Do vậy, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm bảo đảm thời gian thực hiện đúng như chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, có như vậy kế hoạch giải ngân mới có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong tháng 01/2021, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được trên 165,7 tỷ đồng, chiếm 78,2%. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh thực hiện trên 58,4 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ; vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện trên 78,1 tỷ đồng; vốn nước ngoài thực hiện trên 4,2 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết thực hiện được 2,4 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; vốn khác thực hiện được 22,4 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện được 45,1 tỷ đồng, chiếm 21,3%, tăng 49,2% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện được 1 tỷ đồng, chiếm 0,5%, tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Năm 2021, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội; chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Huy động khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp; tập trung nguồn lực xây dựng các công trình trọng điểm, có tính kết nối vùng, liên vùng, trong đó ưu tiên cho các công trình hoàn thành, công trình chuyển tiếp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, tạo thêm năng lực cho phát triển kinh tế, xã hội; khởi công mới một số công trình trọng điểm có tính đột phá trong giai đoạn 2021-2025...
Đồng thời, thực hiện Đề án giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân nhân và doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường, phấn đấu kiên cố hóa khoảng 400km đường giao thông nông thôn; tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
(Theo Báo Xây dựng)