Ngày 25/1/2021, đàn gà 9.000 con gà thịt từ 80 đến 120 ngày tuổi của bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên có biểu hiện giảm ăn; một số con bỏ ăn, sốt, hen khẹc.
Đến ngày 27/1, đàn gà bắt đầu chết rải rác từ 10 - 20 con/ngày; từ ngày 31/1 đến ngày 1/2 gà chết nhiều hơn và số gà chết được gia đình tự tiêu hủy tổng số 7.000 con. Tại thành phố Yên Bái, ngày 7/2, đàn gà của bà Đỗ Thị Tròn ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc có biểu hiện ốm và chết.
Bà Tròn cho biết: "Đàn gà nhà tôi nuôi được 3 tháng. Từ cuối tháng 1, một số con bị tiêu chảy, phân trắng, xanh, hen khẹc và tôi đã mua thuốc về chữa trị nhưng đến ngày 3/2 gà chết trên 1.000 con; sau đó, chết rải rác đến ngày 8/2 thì gia đình đã tiêu hủy toàn bộ đàn gà 2.500 con”.
Như vậy, tính từ ngày 25/1 đến ngày 9/2 bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 2 hộ, 2 thôn, 2 xã của huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái với số gà mắc bệnh, chết, tiêu hủy 9.500 con.
Ngay sau khi nhận được thông tin dịch bệnh xảy ra, chính quyền các địa phương cùng Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái kiểm tra, xác minh dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm; phối hợp UBND 2 xã có gia cầm ốm, chết tiêu hủy.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với type A subtype H5N6, ngành chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống; cấp 60 lít thuốc sát trùng để tiêu độc khử trùng ổ dịch toàn bộ xã có dịch; giám sát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn 2 xã có ổ dịch.
Huy động nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; xử lý dứt điểm không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất... kịp thời phát hiện ngăn chặn xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán vận chuyển gia cầm làm lây lan dịch bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật, nơi buôn bán, giết mổ trên địa bàn.
Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt họp chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện trường hợp vận chuyển, giết mổ, bán chạy, vứt xác động vật ốm, chết ra môi trường làm ô nhiễm môi trường. Thống kê rà soát số hộ chăn nuôi gia cầm, số gia cầm trong diện tiêm phòng tại các thôn, xã có dịch để có phương án tiêm phòng chống dịch.
Nhờ áp dụng các biện pháp khoanh vùng, dập dịch nhanh, hiệu quả nên từ ngày 10/2 đến nay bệnh cúm gia cầm A/H5N6 không phát sinh thêm. Tuy nhiên, đây là thời điểm giao mùa, thời tiết mưa, nắng thất thường và thời điểm sau tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi đang chuẩn bị tái đàn; do đó, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm không được chủ quan, lơ là.
Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
"Cùng đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh” - ông Nguyên nói.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng thì người chăn nuôi gia cầm cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc - xin cúm gia cầm theo định kỳ.
Hồng Duyên