Cánh đồng xã Hát Lừu những ngày đầu xuân mới thật rộn ràng, người thu hoạch rau, người nhổ khoai tây, người gieo cấy lúa… Khác với những năm trước, thay vì chỉ trồng lúa ổn định lương thực, đồng bào bản Thái đã trồng những cánh đồng khoai tây, đỗ, bí đao xanh đan xen. "Năm nay, nhà tôi không chỉ thóc, lúa được mùa, mà còn cả khoai tây, ao cá. Tết vừa rồi, nhà mình chẳng thiếu gì cả!” - chị Lò Thị Trang ở thôn Vũng Tàu phấn khởi chia sẻ.
Nhà chị có 1 ha lúa nước, năm qua thu hoạch được hơn 20 bao thóc. Vài năm trở lại đây, được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, gia đình chị không chỉ trồng lúa mà còn làm ao cá, trồng rau quả trái mùa, nhất là khoai tây.
"Bây giờ có nhiều ứng dụng mạng xã hội, việc quảng cáo bán sản phẩm nông nghiệp tốt lắm, cứ thu hoạch là có người đặt hay đến tận nhà mua ngay, lắm lúc chưa thu hoạch đã có người đặt trước hết rồi!” - chị Trang chia sẻ cùng nụ cười trên môi.
Những năm gần đây, Hát Lừu luôn là xã dẫn đầu và có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất huyện với 444 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 là 2.426 tấn.
Để đạt được chỉ tiêu trên, Hội Nông dân xã thường xuyên quan tâm đến việc thâm canh tăng vụ, trong đó lấy cây lúa làm chủ đạo. Bằng sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của Hội Nông dân, nhận thức của người dân về thâm canh tăng vụ, trồng các giống mới có năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được cải thiện ngày càng rõ nét…
Ông Mè Văn Sức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hát Lừu cho biết: "Thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư, chúng tôi xây dựng chi tiết các mục tiêu đề ra. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không chỉ trồng lúa mà còn nhiều loại cây lương thực cho năng suất cao, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và chăn nuôi”.
Cùng với Hát Lừu, xã Trạm Tấu cũng là đơn vị luôn dẫn đầu về diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của huyện với 2.818 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 122 ha được đưa vào sản xuất 2 vụ/năm. Năm 2020, các chỉ tiêu, kế hoạch giao đều đạt và vượt mức nghị quyết đề ra; các chương trình, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được thực hiện đúng quy định; người dân đã nâng cao ý thức tự chủ động về sản xuất…
Ông Thào A Của - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: "Năm 2020, cùng với xã, chúng tôi đã chủ động cử cán bộ của Hội về từng thôn bản, xóm làng thực hiện và hướng dẫn sử dụng các mô hình kỹ thuật tại chân ruộng, giúp đồng bào tích lũy kinh nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, đảm bảo an ninh lương thực… góp phần giúp bà con thoát nghèo bền vững”.
Với phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2020, xã Trạm Tấu đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Qua 10 năm thực hiện Kết luận 61, sản lượng thóc của huyện Trạm Tấu đạt 14.969 tấn, sản lượng ngô đạt 9.165 tấn, vượt 100% kế hoạch đề ra.
Không dừng lại ở đó, Ban Chỉ đạo 61 của huyện còn hỗ trợ vốn và phát triển 8 cơ sở chăn nuôi, gồm 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên, 6 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp 5 lợn nái, 50 lợn thịt trở lên.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển vùng chè Shan 629,5 ha, sản lượng búp tươi đạt 852 tấn; xây dựng nhãn hiệu, xác lập bảo hộ trí tuệ với sản phẩm gạo nếp 81, gà đen, lợn đen bản địa, măng ớt, du lịch suối khoáng nóng Cường Hải, tinh dầu sả với mục tiêu đạt hạng 3 sao…
Ngoài ra, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam tuyên truyền vận động 63 người trên địa bàn tham gia học tập và làm việc tại Tập đoàn; giải quyết việc làm mới cho 628 lao động đạt 114,2% kế hoạch...
Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: "Kết luận 61 của Ban Bí thư là động lực để nông dân vùng cao vươn lên vượt qua khó khăn, thi đua phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và hướng tới xây dựng huyện Trạm Tấu phát triển toàn diện”.
Ngọc Sơn