Chương trình OCOP được xem là "bệ phóng” giúp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình, song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, cố gắng của chủ thể kinh tế, Chương trình OCOP ở tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đến hết năm 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã phân hạng được 83 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và Yên Bình; số sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm vẫn chiếm đa số, ít sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch nông thôn...
Việc phát triển sản phẩm OCOP từ những ý tưởng mới chưa nhiều; tiến độ triển khai Chương trình của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, kế hoạch đề ra; nhiều địa phương mới chủ yếu tập trung lựa chọn sản phẩm có sẵn, tiến hành xây dựng thương hiệu cho một vài chủ thể đơn lẻ, tính cộng đồng chưa cao; chưa chú trọng phát triển các sản phẩm đặc sản, tiềm năng và là thế mạnh của địa phương để tạo ra sản phẩm chủ lực.
Các cơ sở sản xuất phần lớn có quy mô nhỏ nên khả năng đầu tư cải tiến, nâng cấp sản phẩm còn hạn chế, nhất là sản phẩm chế biến. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng còn hạn chế, chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng sản phẩm OCOP Yên Bái. Sự vào cuộc, tham gia thực hiện Chương trình ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn thiếu chủ động, không linh hoạt, chưa có phương án khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới…
Ông Doãn Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ: "Sau hai năm triển khai, Văn Yên đã có 8 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao, bước đầu các sản phẩm tạo được niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng. Để Chương trình OCOP phát huy hiệu quả, cần phải được tổ chức, quản lý khoa học theo hệ thống, có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, hỗ trợ kinh phí nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…”.
Ông Đào Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên trao đổi: "Giai đoạn 2019 - 2020, huyện Lục Yên có 9 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình với 3 chủ thể, toàn bộ các sản phẩm tham gia Chương trình đều thuộc nhóm ngành thực phẩm, trong đó có 3 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm tươi sống và 6 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chế biến. Đến hết năm 2020, huyện có 9 sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng 3 sao. Tuy nhiên, là một chương trình mới nên bước đầu triển khai còn nhiều lúng túng, cán bộ quản lý, thực hiện các cấp còn thiếu kinh nghiệm, nhận thức về Chương trình, đặc biệt là cấp xã còn hạn chế, công tác giải ngân kinh phí hỗ trợ còn chậm do khó thực hiện; một số xã còn chưa tích cực tổ chức triển khai thực hiện…”.
Nhận diện những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới sẽ tác động tiêu cực đến quá trình triển khai Chương trình trong thời gian tới để thấy rõ muốn hoàn thành mục tiêu đề ra cần huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.
Các huyện, thị, thành phố phải xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho từng năm và cả giai đoạn để Chương trình đi vào thực chất, bảo đảm hiệu quả; chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp xã trong việc khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ thương mại phục vụ phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Nhâm Xuân Trường – Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho rằng: "Phải phát huy cao độ vai trò của cấp xã, đây là lực lượng không thể thay thế trong thực hiện Chương trình OCOP. Chính UBND cấp xã mới là người lựa chọn chính xác nhất sản phẩm thế mạnh của địa phương mình và hiểu rõ những điểm mạnh, yếu cần tác động hỗ trợ cụ thể, kịp thời cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, làm cơ sở để tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ việc hoàn thiện sản phẩm cũng như các yêu cầu khác như môi trường, giải pháp nâng cao năng lực sản xuất cho các chủ thể sản phẩm OCOP...”.
Công nhân HTX Quế hồi Đào Thịnh (Trấn Yên) đóng gói sản phẩm Quế điếu thuốc, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Các địa phương cần xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng phát triển sản xuất ở nông thôn, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website của tỉnh; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp và điểm bán hàng OCOP trên cả nước...
Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ dân đã có sản phẩm OCOP cần chủ động rà soát và lựa chọn sản phẩm tiềm năng để cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm; chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để tiếp tục đánh giá nâng hạng các sản phẩm trong kỳ đánh giá, phân hạng tiếp theo của tỉnh; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát, quản trị chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đã được công nhận; hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là sản phẩm đặc sản truyền thống của các địa phương; khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng máy móc, trang thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm.
Các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ theo dõi, quản lý công tác triển khai thực hiện Chương trình; tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất, xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu.
Từ những kết quả ban đầu và hiệu ứng lan tỏa của Chương trình trong cả nước hiện nay, tin tưởng rằng Chương trình OCOP ở Yên Bái sẽ có các bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn ở khắp các địa bàn và trở thành thương hiệu riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quang Thiều