Năm 2011, khi bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện Trấn Yên ở mức thấp, mặt bằng chung toàn huyện bình quân chỉ từ 4 - 5 tiêu chí/xã, những xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt 1 - 2 tiêu chí. Toàn huyện có đến 4 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân ở mức thấp; điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội hạn chế.
Quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn
Theo Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân, do có xuất phát điểm thấp như vậy nên ngay từ đầu huyện Trấn Yên đã chủ trương phải gắn kết quả xây dựng NTM với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu; quyết tâm "bỏ cũ - làm mới” từ việc kiến thiết đồng bộ cơ sở hạ tầng đến thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý với nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.
Khẳng định điều này, ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Ngay khi triển khai xây dựng NTM vào năm 2011, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung quy hoạch lại các vùng sản xuất theo tiêu chí đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo trước, trên cơ sở đó mới thực hiện các tiêu chí khác”.
Chỉ một thời gian ngắn, huyện Trấn Yên đã cơ bản định hình các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa dựa trên các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao. Chẳng hạn như vùng trồng dâu nuôi tằm 700ha; vùng trồng quế 16.000ha, vùng tre măng Bát Độ 3.500ha; vùng trồng chè chất lượng cao 900ha; vùng trồng cây ăn quả có múi 1.000ha; phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, sản lượng thịt hàng năm trên 8.000 tấn...
Trên cơ sở quy hoạch, huyện tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư trước cho những vùng này. Ông Dương Kim Hưng, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết, từ quy hoạch chung của huyện, xã đã hình thành được 2 vùng chuyên canh lớn là vùng trồng quế trên 2.000ha và vùng tre măng Bát Độ gần 1.800ha; xây dựng được 11 mô hình nuôi gà thương phẩm quy mô từ 2.000 đến 5.000con/lứa; 11 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 50 con trở lên; thành lập hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, 14 tổ hợp tác, 5 xưởng khai thác, chế biến gỗ rừng trồng… Từ đó, xã đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và giúp tăng thu nhập bình quân đầu người tại xã lên 36 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,1%.
Tái sinh môi trường sống
Một khi gánh nặng "cơm áo gạo tiền” đã nhẹ bớt, người dân dễ dàng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình và cộng đồng. Điều đó thể hiện rõ ở Trấn Yên qua cách Trấn Yên thực hiện tiêu chí về môi trường, không chỉ bảo vệ mà nơi này còn tái sinh môi trường sống. Đến nay, Trấn Yên đã xây dựng được 1.000 mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở tất cả các xã với tổng kinh phí là 335 triệu đồng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Một cách làm rất sáng tạo của huyện Trấn Yên nữa là Chương trình "Ngày thứ 7 cùng dân”. Chương trình này nhằm huy động nhân công từ lãnh đạo đến người dân trên toàn huyện để thực hiện các hoạt động công ích. Trong năm 2020, đã có 123 "Ngày thứ 7 cùng dân” được tổ chức với sự tham gia của hơn 10.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân. Suốt 10 năm qua, đã có 217.000 ngày công được huy động để làm đường giao thông nông thôn; 517.870m2 đất đã được hiến để làm đường, làm nhà văn hóa thôn; 250km đường điện chiếu sáng ở các tuyến đường trung tâm xã và khu vực dân cư đã được hoàn thiện...
"Huyện Trấn Yên xác định xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn 2020 - 2025. Trấn Yên đang phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch”. - ông Trần Đông chia sẻ.
(Theo nongthonviet.com.vn)