Yên Bái đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Bài 2: Chú trọng các ngành lợi thế

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/3/2021 | 6:23:58 AM

YênBái - Chú trọng phát triển mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm là thế mạnh của địa phương như gỗ, giấy, chè, tinh bột sắn, chế biến các sản phẩm từ quế…

Chế biến măng tre Bát độ tại Công ty cổ phần Yên Thành. (Ảnh:T.L)
Chế biến măng tre Bát độ tại Công ty cổ phần Yên Thành. (Ảnh:T.L)


Để duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển, tỉnh Yên Bái xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cả nước, của khu vực và quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp và sản phẩm công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo; giảm dần chế biến thô, tăng chế biến tinh các sản phẩm. Trong đó, tỉnh xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có dư địa tăng trưởng.

Theo đó, ngành công nghiệp tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường, khẳng định vai trò là ngành công nghiệp chủ lực trong phát triển công nghiệp nông thôn, gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao được giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn và là yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. 

Trong đó, chú trọng phát triển mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm là thế mạnh của địa phương như gỗ, giấy, chè, tinh bột sắn, chế biến các sản phẩm từ quế… 

Thực tế những năm gần đây, số lượng cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phát triển nhanh, sản phẩm đa dạng, chất lượng được nâng lên. Sản phẩm từ gỗ rừng trồng đã được xuất khẩu đến thị trường các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc... 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 44 doanh nghiệp và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Nghị quyết 41 với định hướng đúng của tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tìm được hướng phát triển hiệu quả. Công ty cổ phần Yên Thành là một trong những doanh nghiệp đầu tư sản xuất và chế biến các sản phẩm gỗ và sản phẩm lâm nghiệp của nông dân trong tỉnh. 

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cho biết: năm 2020, Công ty đã sản xuất, tiêu thụ trên 6.500 m3 gỗ rừng trồng; chế biến trên 1.000 tấn măng muối và măng khô; sản xuất trên 10 vạn bầu giống tre măng Bát độ cung ứng cho nhân dân trong tỉnh, doanh thu đạt 84 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 280 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 280 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh khai thác thế mạnh công nghiệp chế biến tại địa phương, riêng giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án sản xuất, chế biến gỗ chất lượng cao như: Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh; Công ty TNHH một thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông... 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 doanh nghiệp sản xuất giấy đế xuất khẩu với công suất giấy đế 33.750 tấn/năm, sản lượng giấy đế, vàng mã năm 2020 đạt 38.000 tấn; có 3 nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn với công suất 56.000 tấn sản phẩm/năm, sản lượng tinh bột đạt khoảng 20.000 tấn. 

Đối với lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ quế, hiện có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm; sản lượng tinh dầu quế năm 2020 đạt 600 tấn, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Một số sản phẩm mới phát triển và có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn hiện nay như trà quế, nước tẩy rửa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quà lưu niệm... 

Ngành chè những năm gần đây đã từng bước cơ cấu lại để phát triển phù hợp với vùng nguyên liệu và thị trường. Chất lượng, giá trị sản phẩm chè, tỷ trọng sản phẩm chè xanh giá trị cao được nâng lên, bước đầu xây dựng và phát triển thương hiệu chè của tỉnh. 

So với năm 2015, số cơ sở chế biến chè của tỉnh đã giảm gần một nửa, còn 64 cơ sở chế biến đang hoạt động. Một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới, nâng cấp dây chuyền, máy móc, thiết bị công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản lượng chè chế biến năm 2020 toàn tỉnh ước đạt 27.000 tấn, trong đó chè đen đạt 24.290 tấn, chiếm 90% sản lượng, còn lại là chè xanh 2.710 tấn. 



Nhà máy chế biến đá vôi trắng CaCO3 tại Khu Công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái. (Ảnh: T.L) 

Cùng với các ngành công nghiệp chế biến, tỉnh chủ trương đẩy mạnh các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất điện, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển công nghiệp dệt may, da dày, hóa chất phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 6 nhà máy may xuất khẩu, công suất 24,9 triệu sản phẩm/năm, tham gia giải quyết một lượng lao động không nhỏ tại các tại địa phương, nhất là tại khu vực nông thôn. 

Đã thu hút được một số dự án như Nhà máy sản xuất bao bì, các sản phẩm từ nhựa và phụ gia ngành nhựa của Công ty REDSTONE, Công ty cổ phần VS Chemicals; Nhà máy sản xuất hạt nhựa màu và hạt nhựa Compound của Công ty TNHH Hóa chất công nghiệp Thái Hòa... 

Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có trên 80 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là sản xuất gạch; có 2 nhà máy sản xuất sứ kỹ thuật, cung cấp phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh và xuất khẩu; 2 nhà máy xi măng với sản lượng xi măng, clinker năm 2020 đạt 1,8 triệu tấn. Trong đó, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn hiện là đơn vị hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kinh doanh các loại sứ cách điện, sứ kỹ thuật. 

Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: năm 2020, Công ty vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, sản xuất và tiêu thụ trên 3.600 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 119 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng 11% so với năm 2019; thu nhập bình quân người lao động đạt 8 triệu đồng/tháng. Lĩnh vực công nghiệp sản xuất điện, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư các dự án sản xuất điện mới, sử dụng năng lượng tái tạo. 

Hiện toàn tỉnh có 22 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia, với tổng công suất 455,5MW, điện lượng bình quân khoảng 1,8 tỷ kWh điện/năm, đóng góp cho giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng/năm. Tỉnh đã thu hút được 3 nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, thực hiện dự án sản xuất điện từ năng lượng mặt trời trên hồ Thác Bà, với quy mô công suất trên 1.000MW; 1 dự án sản xuất điện sinh khối công suất 58MW, các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đầu tư mới 128km đường dây 35kV, 87 trạm biến áp và 185km đường dây hạ thế, nâng cao hiệu quả cung cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, với 1.078/1.137 thôn, bản có lưới điện quốc gia và 95,97% số hộ dân, tức là trên 209.600 hộ dân được dùng điện. 

Trên thực tế, sự chuyển dịch sau cơ cấu lại ngành công nghiệp đã thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp có lợi thế của tỉnh. Tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản giảm phù hợp định hướng phát triển xanh, hài hòa. Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã thu hút được nhiều dự án chế biến sâu, gia tăng giá trị của khoáng sản như: Công ty TNHH một thành viên Vũ Gia, Công ty CP luyện kim và khai khoáng Việt Đức, Công ty CP luyện kim màu Yên Bái... 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chủ lực là công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến nông lâm sản, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao… đã chiếm tỷ trọng 79,45%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển, tỉnh Yên Bái xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Minh Thúy
Bài cuối: Phát triển xanh, hài hòa

Tags Yên Bái công nghiệp động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành lợi thế

Các tin khác
Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ đã có bước đột phá, thể hiện ở việc kết nối đường bộ với các loại hình khác hay mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2050 có trên 9.000km đường cao tốc.

Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng của huyện Trấn Yên được đầu tư đồng bộ, khang trang.

Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào năm 2019. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện lên trên 35 triệu đồng, tăng hơn 25 triệu đồng so với năm 2011.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Việt Nam hiện có 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài(PCPNN) hoạt động. Tỉnh Yên Bái có 52 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn nắm bắt nhu cầu vay vốn của nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: T.L)

Với gần 600 hội viên phụ nữ, hiện nay Hội Phụ nữ xã Nậm Mười đang quản lý 119 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số vốn vay trên 4,7 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục