Sau nhiều năm chăn nuôi manh mún, năm 2020, gia đình anh Phan Trắc Hậu ở tổ dân phố Văn Thi 3, thị trấn Sơn Thịnh đã quyết định vay vốn đầu tư xây dựng khu chuồng trại kiên cố rộng trên 300 m2 để chăn nuôi trâu, bò. Để đảm bảo nguồn thức ăn, anh Hậu đã trồng trên 1 ha cỏ voi; đồng thời, chủ động tích trữ cám, ngô và rơm rạ để chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả.
Với diện tích chuồng trại này, năm 2020, anh nuôi từ 35 - 60 con, giá trị thu về gần 300 triệu đồng. Anh Hậu cho biết "Trước đây, tôi đã chăn thả nhiều năm không mấy hiệu quả vì công chăn dắt, rồi dịch bệnh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Qua tham khảo và được sự động viên, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình quyết định đầu tư nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả. Trước mắt, tôi chọn những con giống khoẻ mạnh, rõ nguồn gốc, tiêm phòng, vệ sinh và chăm sóc đúng cách để lấy ngắn nuôi dài. Về lâu dài, tôi cũng tính đến chuyện nuôi trâu, bò sinh sản để chủ động con giống.
Thực hiện mục tiêu bảo vệ đàn và nâng cao chất lượng đàn gia súc những năm qua, huyện Văn Chấn đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả. Thông qua việc hỗ trợ con giống, giống cỏ và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhiều hộ dân từ vùng thấp, đến vùng cao đã phát triển chăn nuôi ổn định với quy mô vừa và lớn.
Việc áp dụng điều kiện bắt buộc về số lượng trâu, bò, quy mô chuồng trại và diện tích trồng cỏ để được hỗ trợ đã giúp lựa chọn ra các hộ dân có khả năng, để xây dựng các mô hình chăn nuôi thực sự hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các mục tiêu lớn về chăn nuôi đại gia súc ở huyện Văn Chấn đã được cụ thể hóa và mở rộng thêm.
Ngoài các xã, các hộ đã được hỗ trợ, đến nay, nhiều hộ chưa được thực hiện và chưa đủ điều kiện được hỗ trợ đã chủ động học tập mô hình, triển khai làm chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Qua đó, giúp các ngành chức năng của huyện kiểm soát được số lượng, dịch bệnh trên đàn gia súc, từ đó có hướng phát triển, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Hàng trăm hộ chăn nuôi đại gia súc xây dựng được các mô hình quy mô 10 - 100 con, hàng trăm hộ chăn nuôi lợn quy mô 50 con trở lên, góp phần đưa tổng đàn gia súc chính của huyện đạt trên 100.000 con, trong đó trâu, bò trên 23.500 con.
Với mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn gia súc chính đạt 150.000 con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 7.500 tấn, huyện Văn Chấn đang tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bán chăn thả. Chủ trương của huyện là khuyến khích các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Huyện có những cơ chế, chính sách khuyến khích các nông hộ các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để đảm bảo môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Phùng Thế Hanh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Cùng với việc chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác bảo vệ đàn vật nuôi, Phòng đang tiếp tục tham mưu với huyện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi với quy mô vừa và lớn, mục tiêu là làm thay đổi tư duy, phương pháp và tạo tăng trưởng phát triển đàn vật nuôi có chất lượng và ổn định. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các nông hộ tạo chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm”.
Việc chăn nuôi với quy trình khép kín quy mô vừa và lớn sẽ giúp các nông hộ chủ động nguồn con giống có chất lượng và đầu ra cho sản phẩm, hạn chế những rủi ro. Việc liên kết, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi sẽ tạo ra sự tương hỗ mạnh mẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển toàn diện.
Trần Van