Sau một thời gian thực hiện, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả rõ rệt, hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa khối lượng, chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao, trở thành ngành kinh tế chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái lại có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chăn nuôi thủy sản vẫn chủ yếu là nuôi quảng canh và khai thác, đánh bắt tự nhiên là chính.
Để đưa chăn nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao và trở thành một ngành kinh tế chủ lực, Yên Bái đã xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đạt sản lượng trên 12.300 tấn, giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác đạt 160 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất đạt 380 tỷ đồng mỗi năm.
Song song với đó, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 15/2015 và Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản.
Cụ thể: Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, được 984 lồng cá với tổng kinh 9.840 triệu đồng. Hỗ trợ đặc biệt sau đầu tư (một lần) cho nhóm hộ, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá 5 triệu đồng/lồng, được 530 lồng với kinh phí 2.650 triệu đồng.
Hỗ trợ nuôi cá eo ngách, mức hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới được 35.000 m2 lưới với kinh phí 700 triệu đồng. Hỗ trợ cải tạo ruộng kém hiệu quả chuyển thành ao nuôi cá, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha và 5 triệu đồng/ha mua cá giống, chuyển đổi được 29,9 ha với kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng.
Hỗ trợ thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản hàng năm với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ mua thuốc phòng trị bệnh cho cá trên 300 triệu đồng/năm...
Có thể nói, các cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi thủy sản như một làn gió mát thúc đẩy chăn nuôi thủy sản một cách mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm.
Hết năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 22.267 ha; trong đó, diện tích nuôi trồng thâm canh đạt 2.401 ha. Nhờ vậy, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 12.000 tấn, tăng 5.071 tấn so với khi chưa có chính sách hỗ trợ.
Đặc biệt, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đã đạt 200 triệu đồng/ha, tăng 93,2 triệu đồng so với năm 2015. Hiện, toàn tỉnh có trên 2.143 lồng nuôi chủ yếu là cá: trắm cỏ, cá nheo, cá tầm, cá chiên, diêu hồng, rô phi đơn tính...
Người nuôi đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và có bước chuyển căn bản từ nuôi quảng canh, năng suất thấp sang đầu tư nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp với quy mô lớn. Có thể nói, phong trào nuôi cá lồng ở các hồ chứa lớn phát triển mạnh mẽ, các hình thức nuôi cá lúa cũng được người dân áp dụng rộng rãi, qua đó góp phần tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình phấn khởi: "Chính sách hỗ chăn nuôi thủy sản đã phát huy tác dụng rất tốt trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy các hình thức nuôi thâm canh cá lồng và đưa vào nuôi các giống loài có giá trị kinh tế cao để tăng sản lượng và giá trị trên mỗi đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản”.
Yên Bình đã thực sự là "vựa cá” của cả tỉnh. Huyện có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác và trên 300 hộ dân đầu tư vào nuôi trên 2.000 lồng cá và hàng trăm héc-ta eo, ngách nuôi cá. Bên cạnh đó, còn có trên 25% dân số của các xã, thị trấn ven hồ như: Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Tân Hương, Bảo Ái, Thịnh Hưng... đang mưu sinh bằng đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ Thác Bà.
Chăn nuôi phát triển mạnh cũng đồng nghĩa sản lượng khai thác tăng cao, nếu như năm 2015 sản lượng khai thác mới đạt 4.500 tấn thì hết năm 2020 đã tăng lên 9.000 tấn, giá trị đạt trên 300 tỷ đồng.
Gia đình anh Hoàng Văn Sử ở thị trấn Yên Bình đóng 3 lồng cá được hỗ trợ 30 triệu đồng từ năm 2018. Có lồng, gia đình anh nuôi 2 lồng cá trắm cỏ, lồng còn lại nuôi cá nheo. Sau mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh còn lãi được hơn 100 triệu đồng.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định: "Chăn nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà trong một vài năm trở lại đây phát triển mạnh, giờ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là đối với các xã ven hồ. Từ nuôi cá lồng, nhiều hộ gia đình trở lên khá giả”.
Từ thực tế cho thấy, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi thủy sản nói riêng đã góp phần định hướng, tạo động lực thúc đẩy chăn nuôi thủy sản làm hàng hóa và trở thành một ngành kinh tế chủ lực trong nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Phúc