Khó khăn trong thu thuế kinh doanh trên mạng

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/4/2021 | 7:49:38 AM

YênBái - Chỉ cần vài thao tác trên máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối Internet, người dân từ giao dịch trực tiếp đã chuyển sang mua sắm trực tuyến và thanh toán online. Bên cạnh những tiện ích mang lại cho người dùng, hình thức giao dịch này đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thu thuế…

Mua trực tuyến trên mạng xã hội được giao hàng tại nhà.
Mua trực tuyến trên mạng xã hội được giao hàng tại nhà.

Do bận công việc nên chị Thủy - nhân viên một ngân hàng thương mại ở thành phố Yên Bái thường xuyên mua hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử thay vì đi mua sắm trực tiếp. 

Theo chị, mua hàng hóa trên Internet là giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và công sức, bởi chỉ cần vài thao tác chọn và đặt hàng, hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà, hoặc tại cơ quan. Bên cạnh đó, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng, phong phú, người mua có thể thoải mái so sánh giá cả. 

Anh Nguyễn Văn Hùng - công nhân gò hàn tại một gara sửa chữa ô tô tại thành phố Yên Bái cho biết, vợ chồng anh đều làm công nhân, chỉ được nghỉ vào ngày Chủ nhật, có tuần lại tăng ca nên gần như không có thời gian mua sắm. Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, anh có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa để tìm mua thứ mình cần. 

"Tiện lợi nhất là chỉ tại chỗ để lựa chọn món hàng mình thích, sau vài bước chọn mua, sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà. Chính vì vậy, hiện nay mua sắm trực tuyến được nhiều người lựa chọn”. 

Tự nhận mình là một "tín đồ" mua sắm online, chị Nguyễn Thị Huệ ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết, những lúc rảnh rỗi, chị thường lướt mạng tìm kiếm chương trình khuyến mãi, giảm giá trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo hay Lazada để mua sắm với mức giá chỉ bằng một nửa so với ngày thường. 

Theo chị, nếu chịu khó "săn” thì người tiêu dùng sẽ mua được những mặt hàng mình yêu thích với giá rất rẻ. Nếu như trước đây, để bán hàng, người kinh doanh phải mở cửa hàng và đăng ký kinh doanh, vất vả bày biện hàng hóa để người tiêu dùng lựa chọn thì nay người bán chỉ việc đưa hình ảnh sản phẩm để khách lựa chọn, sau khi khách "chốt” mua, phía người bán sẽ nhập hàng rồi gửi cho khách. Gần như các giao dịch mua bán được thực hiện mà chẳng cần sự gặp gỡ nào giữa người mua và người bán.

Ban đầu, với suy nghĩ kiếm thêm thu nhập, chị Hoàng Lan - điều dưỡng viên làm việc tại một bệnh viện quyết định dùng số tiền hơn 2 tháng lương của mình nhập về hơn 20 hộp dưỡng da và nhiều loại mỹ phẩm để bắt đầu kinh doanh online. 

Sau hơn 2 năm chăm chỉ "livestream” trên mạng xã hội, đến nay thu nhập bình quân của chị Lan đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng. Theo chị Lan, thời gian đầu, chị nghĩ chỉ cần mỗi tháng kiếm thêm khoảng 3 triệu đồng để lo tiền ăn học cho con chứ chưa từng nghĩ sẽ xem đây là nghề nuôi sống gia đình mình.

Kinh doanh online có lợi là không cần mặt bằng, cũng không cần quá nhiều vốn để nhập hàng hóa về trưng bày. Tuy nhiên, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn: khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh… (việc quản lý theo chức năng cũng có nhược điểm là thiếu đầu mối phát hiện đối tượng nộp thuế mới); khó nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh cũng như toàn bộ quá trình giao dịch…

Đặc biệt, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội không hiện diện tại địa điểm cố định, lại có trình độ công nghệ thông tin nhất định, cơ quan thuế khó xác định được doanh thu kinh doanh thực tế nếu chỉ căn cứ các thông tin giao dịch trên mạng xã hội. 

Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử các ngành chức năng cần kết xuất dữ liệu, cung cấp danh sách các thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử có trụ sở trên địa bàn tỉnh gửi Cục Thuế rà soát, triển khai các nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định. 

Bên cạnh đó, ngành thuế cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về thuế cho các thương nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong nghĩa vụ kê khai và nộp thuế. 

Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng, triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan tới thương mại điện tử, thuế, đăng ký kinh doanh... 

Hoạt động kinh doanh qua mạng mang lại tiện ích cho nhiều người, nhưng đang ở tình trạng tự phát, không theo bất kỳ quy định nào. Điều này không chỉ gây thất thu nguồn tiền thuế lớn cho Nhà nước, mà còn tạo sự không công bằng giữa các loại hình kinh doanh, kéo theo cả những hệ lụy mà người mua có thể gặp phải. Tăng cường các giải pháp thu thuế đối với việc kinh doanh trên mạng đang là đòi hỏi từ thực tế xã hội.

Quang Thiều

Tags Yên Bái thu thuế kinh doanh trên mạng mua sắm trực tuyến sàn thương mại

Các tin khác
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Yên Bình.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và gắn với xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo động lực cho phát triển.

Giá vàng trong nước tăng trở lại cuối ngày 13/4.

Giá vàng SJC bán ra lên mức 55,37 triệu đồng/lượng, vàng thế giới ở mức 1.745,1 USD/oz nhưng vẫn thấp hơn 6,68 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cùng thời điểm.

Dưới tác động trước đà giảm của giá vàng thế giới, phiên giao dịch ngày 13/4, giá vàng trong nước đồng loạt giảm theo. Trong khi đó, giá USD có xu hướng chững lại.

Công nhân làm việc tại một công ty thép ở Giang Tô, Trung Quốc.

Ngày 12/4, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế bổ sung đối với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục