Giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) được coi như "chìa khóa” cho tăng trưởng, góp phần hiện thực hóa "mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid - 19 vừa phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh đã có những biện pháp quyết liệt.
Có 18% kế hoạch vốn đã được giải ngân
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh là trên 4.240 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn đã giao chi tiết là 3.226 tỷ đồng để thực hiện 367 dự án và có 321 dự án khởi công mới. Với việc kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 được giao từ rất sớm, đã tạo sự chủ động cho các đơn vị, các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cùng đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các dự án và giải ngân nguồn VĐTC theo kế hoạch.
Nhờ đó, hết quý I/2021, toàn tỉnh giải ngân đạt gần 600 tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch vốn giao (tỷ lệ này cao hơn cùng kỳ năm trước). Trong đó, khối các địa phương giải ngân đạt trên 290 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch vốn giao. Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân cao và trong nhóm dẫn đầu có huyện Văn Chấn tỷ lệ giải ngân đạt 46,45%; huyện Văn Yên đạt 39,34%; thành phố Yên Bái đạt 24,1%. So với địa phương, kết quả giải ngân các đơn vị cấp tỉnh thấp hơn và đến nay các sở, ngành, các đơn vị cấp tỉnh đã giải ngân đạt trên 308,9 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch.
Đáng chú ý, bên cạnh nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Sở Giao thông - Vận tải, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có tỷ lệ giải ngân đạt 55% kế hoạch; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh giải ngân đạt 51.77% thì vẫn còn 16 đơn vị chưa giải ngân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công tác chuẩn bị đầu tư nhiều dự án không phù hợp với thực tế và định mức, đơn giá của Nhà nước nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán.
Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng vẫn được coi là một điểm nghẽn cố hữu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án; trong đó, phải kể đến các dự án trọng điểm của tỉnh như: đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái; đường nối quốc lộ 32, quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12); đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Cùng đó, một số cơ chế, chính sách quản lý đầu tư, xây dựng mới được ban hành, khiến các địa phương, đơn vị lúng túng trong triển khai…
Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA chiếm trên 10% tổng kế hoạch vốn nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được vì vướng mắc thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; một số dự án đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán nhưng chưa có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu do chưa được bố trí kế hoạch vốn nước ngoài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh bổ sung dự án.
Nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu hết quý II/2021, tỷ lệ giải ngân tối thiểu đạt 45% kế hoạch vốn, đến hết quý III/2021 giải ngân tối thiểu đạt 70% kế hoạch, đến hết quý IV/2021 giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch và đến hết niên độ ngân sách năm 2021 đạt 100% kế hoạch vốn giao năm 2021.
Để đảm bảo hoàn thành tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2021, tỉnh đề nghị các địa phương, sở, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp theo Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 18/12/2020 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.
Trong đó, các địa phương, sở, ngành tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân từng dự án; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình, dự án, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đảm bảo việc thẩm định không quá 3 ngày/hồ sơ; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Các địa phương, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới đã được bố trí kế hoạch VĐTC năm 2021. Cùng đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước rà soát, điều chỉnh vốn, cơ cấu vốn theo hướng cắt giảm các dự án giải ngân chậm hoặc giải ngân không đạt tiến độ cam kết để bổ sung vốn cho dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt nhưng chưa bố trí đủ vốn; trong đó, ưu tiên các dự án trọng điểm.
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân VĐTC ở ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý.
Văn Thông