Bước vào năm 2021, thử thách lớn tiếp tục đến với các DN trong tỉnh khi dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Dẫn đến, một số DN lớn như Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty TNHH Đá trắng Bảo Lai, Công ty cổ phần Khoáng sản Red Stone... chưa xuất khẩu được hàng đạt kế hoạch do thị trường nhập khẩu Mỹ, Ấn Độ, EU dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, giá một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: chè, quế, quặng sắt giảm trên thị trường thế giới nên ảnh hưởng đến đầu ra của hàng hóa trong tỉnh. Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh, ngành công thương đã triển khai hàng loạt giải pháp căn cơ, khả thi, đồng bộ; trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Quyết tâm giành thắng lợi cao nhất, ngay từ những ngày đầu năm, nhiều DN đã nỗ lực huy động vốn, mở rộng quy mô sản xuất tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Nhờ đó, bức tranh sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm có sự khởi sắc với nhiều gam màu sáng.
Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp qúy I/2021 ước đạt 4.241 tỷ đồng, tăng 14,45% so với cùng kỳ năm 2020, ước tính theo giá so sánh 2010 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch năm; chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 10,03% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, ghi nhận nhiều sản phẩm chủ lực trên đà phục hồi và có bước tiến triển vượt bậc so với cùng kỳ như: điện sản xuất ước đạt 287,184 triệu Kwh, tăng 41,31 % so với cùng kỳ; điện thương phẩm ước đạt 257,533 triệu Kwh, tăng 16,95% so với cùng kỳ; tinh bột sắn, bột dong riềng ước đạt 14.850 tấn, tăng 2,06% so với cùng kỳ.
Gỗ bóc ước đạt 100.135 m3, tăng 23,37% so với cùng kỳ; gỗ ép ước đạt 44.245 m3, tăng 35,12% so với cùng kỳ; xi măng Portlanđ đen ước đạt 592,8 ngàn tấn, tăng 0,83% so với cùng kỳ; giấy làm vàng mã ước đạt 3.270 tấn, tăng 36,25% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19; khó khăn trong ùn ứ hàng hóa tại các cảng, bãi đóng hàng; gia tăng chi phí vận tải biển quốc tế, chi phí thuê container... nhưng kim ngạch xuất khẩu quý I/2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 và ước đạt 46,7 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ, bằng 21,2% so với kế hoạch năm.
Bám sát kịch bản tăng trưởng, trong tháng 4/2021, ngành công thương đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 1.400 tỷ đồng trở lên, lũy kế đạt 4.500 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.750 tỷ đồng, lũy kế đạt 7.200 tỷ đồng, bằng 33,5% kế hoạch năm; xuất khẩu phấn đấu đạt 20 triệu USD trở lên, lũy kế đạt 66,7 triệu USD, bằng 30,3% kế hoạch năm.
Để đạt mục tiêu này, ngành công thương tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trong đó, ngành tiếp tục tham mưu triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19 theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương và chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong triển khai các dự án, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
Ngành công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, tranh thủ tình hình thị trường thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tham mưu giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án của các nhà đầu tư, trọng tâm là các dự án thủy điện, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương thúc đẩy thương mại phát triển, nhất là thương mại điện tử, để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối; góp phần thúc đẩy lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.
Tiếp tục rà soát, đánh giá, cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại; khảo sát, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.
Cùng với đó, ngành công thương tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ DN về xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường; thúc đẩy phát triển thương mại vùng cao thông qua các hội chợ, phiên chợ hàng Việt…
Văn Thông