Yên Bái: Lợn hơi giảm, tiêu thụ khó

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/5/2021 | 9:33:48 AM

YênBái - Giá lợn hơi liên tục giảm từ mấy tháng nay; thời điểm này còn xuống thấp nhất trong 1 năm qua và chưa cho dấu hiệu dừng lại. Không những vậy, việc tiêu thụ còn rất chậm, đặc biệt là loại lợn nuôi tận dụng nông sản phụ (lợn hai bề), không phải lợn siêu nạc, nuôi trong các trang trại tiêu chuẩn.

Một quầy thịt lợn được bày bán tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thủy Thanh)
Một quầy thịt lợn được bày bán tại chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thủy Thanh)

Khu vực thành phố Yên Bái, giá lợn dao động trên dưới 60 nghìn đồng/kg, giảm 20 nghìn đồng so với thời điểm trước tết Nguyên đán Tân Sửu. Ông Nguyễn Anh Dũng, một thương lái cho biết: "Hôm nay (ngày 12/5) chúng tôi chỉ bắt giá 58 đến 59 nghìn đồng/kg, chỉ bắt ít một và bắt lợn trại, siêu nạc. Riêng lợn hai bề thì tạm thời ngừng vô thời hạn, đợi thông báo sau”. 

Nhiều chủ trang trại gọi tới, gọi lui thương lái chuyên bắt lợn đi Lào Cai và xuất bán sang Trung Quốc để xuất bán đàn lợn của gia đình mình nhằm phòng tránh giá giảm tiếp dẫn đến thua lỗ nhưng câu trả lời rất ngắn gọn: "Tạm dừng”. 

Sau tết Nguyên đán, anh Tạ Anh Tuấn ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái bắt đàn lợn 11 con về nuôi với mong muốn vợ có việc làm sau khi mất việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Đầu tháng 4 âm lịch, lợn đã ngót tạ mỗi con, anh quyết định xuất bán với giá 60 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, hạch toán kỹ anh may mắn hòa vốn, công sức chị vợ chăm bẵm mấy tháng bằng con số không. 

Ông Bùi Văn Phong ở phường Nguyễn Thái Học về tận Hạ Hòa thuê đất làm trang trại chia sẻ: "Trường hợp ông Tuấn hòa vốn là may rồi, nếu nuôi tiếp chắc chắn sẽ lỗ”. 

Rồi ông đưa ra phép tính, lợn giống thời điểm trước tết Nguyên đán giá khoảng 2,6 triệu đồng mỗi con, tiền thức ăn để đạt mỗi con 1 tạ vào khoảng 3,2 triệu đồng (giá cám vào thời điểm này phải mất ít nhất 3,5 triệu đồng thì bình quân mỗi con mới đạt trọng lượng 1 tạ), cộng với khoảng 300 nghìn tiền điện, nước và tiền thuốc thú y cho mỗi con. Vậy là, giá thành 100 kg lợn hơi vào khoảng 6 triệu đồng; nếu giá xuống đến 60.000 đ/kg đương nhiên hòa vốn, không có công nuôi. 

Ông Phong nhấn mạnh thêm: "Xin lưu ý, cả đàn đều ăn khỏe, mau lớn, không ốm đau, bệnh tật gì, nếu sơ sảy con nào thì lỗ luôn, nếu giá tụt thêm thì càng không có lãi’.

Theo lý giải của các thương lái, sở dĩ giá lợn hơi giảm mạnh là bởi cung đã vượt cầu, sau "đại dịch” tả lợn châu Phi, nguồn cung thiếu hụt, giá lợn tăng mạnh, thời điểm cao nhất lên tới trên 80 nghìn đồng/kg lợn hơi đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình tái đàn. Giờ là thời điểm lợn đạt trọng lượng xuất bán, lại đúng vào lúc nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng do dịch Covid-19 nên sức tiêu thụ bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó, một câu chuyện thường niên, đã trở thành quy luật, đó là ngày hè nóng nực, thịt lợn cũng không được các bà nội trợ lựa chọn nhiều cho bữa ăn gia đình... Đó là các yếu tố trong nước. Nói như vậy là bởi, sản lượng lợn hơi nông dân Yên Bái chăn nuôi được xuất khẩu rất mạnh sang nước bạn Trung Quốc mà đã là thị trường Trung Quốc thì luôn xuất hiện tình trạng nóng lạnh bất thường, chưa kể, thời điểm dịch bệnh hoành hành việc xuất khẩu gặp khó khăn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.

Giá lợn hơi khó có thể tăng trong thời gian tới nếu không muốn nói là sẽ giảm thêm, đó là nhận định của rất nhiều tiểu thương kinh doanh thịt lợn lâu năm tại các chợ và những thương lái chuyên chở lợn đi Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và Trung Quốc. Bán ngay khi lợn đạt trọng lượng và giá chưa giảm thêm, tạm dừng tái đàn nếu không tự cung được nguồn giống và khi giá thức ăn còn cao ngất ngưởng, đó là những lời khuyên được đưa ra lúc này.

Lê Phiên

Tags Yên Bái lợn hơi giảm giá mạnh khó tiêu thụ

Các tin khác
HTX Chè Hương Lý (Yên Bình) được hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc và máy in tem sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 17 sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Lãnh đạo xã An Thịnh, huyện Văn Yên kiểm tra mô hình chăn nuôi của gia đình ông Lê Xuân Kình ở thôn Đại An.

Thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, nhiều hộ dân ở huyện Văn Yên đã cải tạo chuồng trại, tăng quy mô đàn vật nuôi.

Nhiều nhà dân trên địa bàn thành phố Yên Bái đang xây dựng đã đội chi phí vì giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Sự tăng giá tới chóng mặt của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm cho chi phí xây dựng tăng 20% so với cùng kỳ. Giá vật liệu “phi mã” gây khó khăn thêm với các nhà thầu xây dựng, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh theo giá thị trường, chi phí vật liệu thường chiếm từ 40 - 60% tổng dự toán của một công trình…

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phía Nhật Bản đã chính thức ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam giám sát vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục