Hiện nay, ở Văn Yên, diện tích trồng quế đã lên tới hàng vạn ha. Tại các xã vùng cao của huyện Trấn Yên, hàng nghìn ha rừng tre măng Bát độ đã và đang đi vào chu kỳ kinh doanh, tạo ra độ che phủ lớn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt, hai năm qua, diện tích quế tăng rất mạnh, nhất là tại các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn.
Nhìn vào phong trào trồng rừng ở Yên Bái, chúng ta có thể hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao trồng hơn 30 triệu cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025?
Thực tế, phong trào trồng rừng nguyên liệu chỉ phát triển ở vùng thấp như huyện Trấn Yên, Yên Bình; các xã vùng ngoài Văn Chấn vì thời tiết thuận lợi.
Ở các huyện, xã vùng cao, ít mưa, mùa đông lạnh giá, rất khó trồng keo lai, bạch đàn, bồ đề..., hiệu quả kém hơn vì xa thị trường tiêu thụ, chi phí khai thác, vận chuyển lớn. Cây quế phù hợp khi trồng tại Văn Yên và một số xã tại huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, tuy nhiên, những địa phương này cũng đã hết quỹ đất, không còn đất trống, đồi trọc để mở rộng diện tích trồng mới.
Vùng cao đất đai còn rất rộng, nhưng không thể đẩy mạnh trồng cây nguyên liệu, cây quế không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Trong khi, nhiều nơi chuyện tranh chấp đất đai, việc quản lý, sử dụng kém hiệu quả cũng là một rào cản do đồng bào "giữ đất” dù đất bỏ hoang hóa, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.
Vậy, mục tiêu trồng hơn 30 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025 mà Chính phủ giao sẽ thực hiện như thế nào? Gần 1.000 ha đất bán ngập nước trên hồ Thác Bà đã được ngành nông nghiệp xác định và lựa chọn cây tràm để trồng nhằm tạo cảnh quan, chống sạt lở, xói mòn...
Còn ở các địa phương vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, các xã vùng cao của Văn Chấn, thiết nghĩ địa phương cần rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, có phương án thu hồi diện tích đất lâm nghiệp để hoang hóa, không hiệu quả, tạo quỹ đất trồng mới; tiếp tục rà soát, chuyển đổi mục đích những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu để chuyển đổi thành rừng kinh tế, giao cho tổ chức và cá nhân trồng mới, đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần tìm ra loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Câu chuyện ở huyện Trấn Yên: từ chỗ đời sống đồng bào Mông thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành rất khó khăn, đã có không ít hộ di cư vào Tây Nguyên, nhờ đưa cây măng tre Bát độ, đồng bào đã có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn. Đồng Ruộng từ một thôn đặc biệt khó khăn vùng 135 đã cán đích nông thôn mới.
Người dân Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng… nhờ cây dâu tằm và sự liên kết "4 nhà” đã khấm khá, làm giàu nhờ trồng dâu, nuôi tằm, bán kén. Một giải pháp nữa là đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán, cây bóng mát, cây sinh thái, cây ăn quả lâu năm tại các cơ quan, đơn vị, trường học, trên các tuyến đường, vườn hoa, công viên....
Vấn đề là trồng rừng nói chung, trồng cây phân tán phải trồng đâu được đó, gắn việc trồng với chăm sóc, bảo vệ...; công tác tuyên truyền, chỉ đạo cần thường xuyên, kịp thời để các cấp, các ngành, địa phương và mọi người dân quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ trồng mới 30 triệu cây xanh. Từ đó, nâng cao hơn nữa tỷ lệ che phủ rừng, thiết thực góp phần xây dựng Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Lê Phiên