Những ngày tháng 5, chị Tạ Thị Thành, thôn Đồng Tý, xã Phúc An, huyện Yên Bình cùng bà con trong thôn thường xuyên có mặt trên đảo hồ để kiểm tra sự phát triển của dưa hấu và dưa lê sắp đến kỳ thu hoạch. Chọn trồng dưa từ 3 năm nay, chị Thành thấy cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng đỗ, lạc trước đây mà không mất nhiều công chăm sóc.
Những ngày tháng 5, người dân thôn Đồng Tý, xã Phúc An thường xuyên có mặt trên đảo hồ để kiểm tra sự phát triển của dưa hấu.
Diện tích trồng dưa trên địa bàn xã Phúc An tập trung nhiều nhất ở các thôn Đồng Tâm, Đồng Tha và Đồng Tý. Hộ ít trồng 2 – 3 sào, hộ nhiều vài ha trở lên. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên dưa hấu trồng trên đảo hồ Thác Bà có vị ngọt sắc, tươi ngon, cùi mỏng, lõi dày, màu đỏ rực, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng; các thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá bán tại vườn dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, dưa lê ngót 20.000 ngàn đồng/kg. Từ trồng dưa thay vì lạc, đỗ trên vùng đất bán ngập hồ Thác, nhiều hộ đã có thu nhập trung bình vài chục triệu đồng/vụ.
Dưa hấu trồng trên đảo hồ Thác Bà có vị ngọt sắc, tươi ngon, được các thương lái tìm đến tận nơi thu mua.
Với kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa hấu trên đảo hồ, năm nay gia đình anh Triệu Văn Tuệ, ở thôn Cây Tre, xã Xuân Lai tiếp tục trồng hơn 1 ha dưa hấu và 3 sào dưa lê. Nhờ lựa chọn giống chất lượng, thời tiết thuận lợi và chất đất phù hợp nên cây dưa của gia đình phát triển khá tốt, đang bắt đầu cho thu hoạch.
Là xã có trên 80% đồng bào dân tộc Tày, Xuân Lai là địa phương trồng dưa hấu nhiều nhất, sớm nhất trên diện tích đất dưới cốt nước 58 hồ Thác Bà với khoảng 16 ha. Cây dưa hấu bén duyên với người dân vùng đất này từ 10 năm trước. Từ vài héc-ta những năm đầu, nay được giá, năng suất từ 10-12 tấn/ha nên bà con đã tích cực chuyển đổi diện tích cây màu ít hiệu quả như ngô, lạc, đỗ sang trồng dưa. Năm 2021 này, bà con Xuân Lai đã trồng 25 ha dưa hấu trên đất bán ngập hồ Thác Bà.
Cùng với trồng dưa hấu, nhiều hộ dân đảo hồ đã trồng thêm dưa lê để tăng thu nhập.
Trung bình, một vụ dưa kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 6 âm lịch hàng năm, là cơ hội tăng thu nhập cho người dân các xã vùng Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình. Năm 2021 này, bà con trồng được gần 100 ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Xuân Lai, Mỹ Gia, Yên Thành, Phúc Ninh, Phúc An. Dưa ngon, mã đẹp lại cho năng suất cao, đầu ra ổn định nên người dân vùng đông hồ Thác Bà đã hơn 10 năm nay gắn bó với cây trồng này.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân, cây dưa hấu cùng một số cây trồng chủ lực của bà con được mùa, được giá đang là tín hiệu tích cực để các địa phương ven hồ Thác Bà thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ "kép”, vừa phòng chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế.
Thanh Chi - Hoài Văn