Năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10-12% ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ dòng chảy tín dụng, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú, vận tải, du lịch, xuất khẩu… đã tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
Để kiểm soát chặt chẽ "dòng chảy” tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn, đẩy mạnh cho vay các phương án, dự án có hiệu quả; thực hiện nghiêm túc cơ chế điều hành về lãi suất, cạnh tranh lành mạnh; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra theo quy định tại Thông tư số 01 ngày 13/3/2020 và Thông tư số 03 ngày 02/4/2021 của NHNN Việt Nam; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid -19. Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN chi nhánh tỉnh và nỗ lực của các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đã có sự khởi sắc.
Đến ngày 30/4, tổng mức huy động của toàn ngành ngân hàng trên địa bàn ước đạt 31.550 tỷ đồng, tăng 4,97% so với 31/12/2020 (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,09%). Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 5,73%, chiếm tỷ trọng 66,6% trên tổng nguồn vốn.
Cũng thời điểm trên, tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân đạt 27.350 tỷ đồng, tăng 3,76% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,99%), trong đó dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 16.950 tỷ đồng.
Bên cạnh ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực ưu tiên khác như sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả tiếp tục là địa chỉ quan trọng để nguồn tín dụng hướng tới.
Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tính đến ngày 30/4 ước đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 3,67% so với năm 2020; dư nợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ước đạt 8.520 tỷ đồng, tăng 2,74% so với năm 2020; dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách ước đạt 3.390 tỷ đồng, tăng 2,5% so năm 2020.
Bên cạnh đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng đã căn cứ tình hình thực tế ảnh hưởng của khách hàng và khả năng tài chính của mình triển khai kịp thời các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu, triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến ngày 10/3 là 5.257 tỷ đồng, chiếm 20,5% so với tổng dư nợ trên toàn tỉnh.
Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.029 khách hàng với dư nợ 942 tỷ đồng; giảm lãi suất với dư nợ hiện hữu từ 0,2-2,5% cho 9.059 khách hàng với dư nợ được giảm lãi là 14.363 tỷ đồng; cho vay mới đối với khoảng 13.784 khách với số tiền trên 4.128 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng tín dụng từ 10% -12%, nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 2%, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh tập trung huy động nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Trong đó, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
NHNN Chi nhánh tỉnh cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, tiếp tục tăng cường công tác quản trị rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích phòng ngừa rủi ro tại đơn vị, bảo đảm thanh toán thông suốt và an toàn tuyệt đối trong hoạt động ngân hàng.
Văn Thông