Yên Bái tăng cường các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/5/2021 | 2:11:25 PM

YênBái - Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KCXTTM), Sở Công Thương phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.

Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.
Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.

Những năm qua, Trung tâm KCXTTM Yên Bái thực hiện triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động bằng việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi.

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 10 phiên chợ, tại các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên. Mỗi phiên chợ được tổ chức 4 ngày tại địa điểm một xã hoặc thị trấn của các huyện, với quy mô từ 20 - 26 gian hàng tiêu biểu của 10 - 13 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Để tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, Trung tâm KCXTTM phối hợp với các địa phương tìm hiểu tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu về hàng hóa và thu nhập của người dân để chuẩn bị hàng hóa phù hợp. 

Các mặt hàng được bày bán, giới thiệu tại phiên chợ là hàng Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và bán với giá thấp hơn hoặc bằng với giá thị trường cùng thời điểm. Cùng đó, Trung tâm còn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phiên chợ thực hiện các chương trình khuyến mại. 

Hàng hóa tham gia trưng bày, bán tại phiên chợ chủ yếu là hàng may mặc, đồ dùng gia đình, đồ dùng học tập, đồ điện, điện tử, dịch vụ viễn thông, máy móc, công cụ, thiết bị sản xuất công, nông nghiệp… Mỗi phiên chợ thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, mua sắm, đạt doanh thu từ 200 - 400 triệu đồng/phiên. 

Từng tham gia mua sắm ở phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tổ chức tại huyện Văn Yên, chị Hoàng Thị Thúy ở xã Xuân Ái cho biết: "Tôi thấy các mặt hàng bày bán tại phiên chợ đa dạng chủng loại, mẫu mã, giá cả phải chăng. Không chỉ được cung cấp sản phẩm Việt chất lượng, khi đến phiên chợ, tôi còn có cơ hội tiếp cận thêm kiến thức tiêu dùng hữu ích; được một số chủ gian hàng tư vấn cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, cách truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua quét tem, mã truy xuất. Đó là những kiến thức rất bổ ích, nhất là đối với người dân ở nông thôn. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức để người tiêu dùng vừa mua được những sản phẩm chất lượng, vừa ủng hộ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong và ngoài tỉnh”. 

Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi không chỉ mang đến lợi ích cho người tiêu dùng mà còn là dịp để các doanh nghiệp tham gia bán hàng tăng doanh thu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, sức mua của người dân khu vực miền núi để từ đó đưa ra được kế hoạch kinh doanh phù hợp. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh có điều kiện học tập kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh. 

Chị Đồng Thị Hiền - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết: "Hợp tác xã Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh là đơn vị tích cực tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Hợp tác xã chuyên kinh doanh các loại: cá sấy đặc sản hồ Thác Bà, lạp xưởng, thịt lợn, trâu sấy... Tham gia các phiên chợ, Hợp tác xã có thêm bạn hàng, vì trước đây thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu là huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái thì nay các sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng tại các địa phương trong tỉnh tin dùng và biết đến”.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi mang lại cho người dân và các doanh nghiệp thì việc tổ chức phiên chợ vẫn có những hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, thời gian ngắn, chưa thường xuyên; các doanh nghiệp tham gia phiên chợ còn ít; do dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập người dân, nên sức mua tại đây không nhiều. 

Thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm KCXTTM sẽ quan tâm bố trí kinh phí tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi thường xuyên và quy mô hơn, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi trên địa bàn tỉnh.        
                                                                             
Thu Hiền

Tags Ngành công thương Yên Bái Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi

Các tin khác
Từ hôm nay 19/5, doanh nghiệp phá sản được xem xét xóa nợ (Ảnh minh họa)

Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực hôm nay (19/5).

Nhiều hộ đồng bào Mông ở huyện Mù Cang Chải vẫn giữ thói quen thả rông gia súc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

So với tổng đàn gia súc, vật nuôi hiện có thì số lượng vắc - xin đăng ký đạt rất thấp; đặc biệt là vắc - xin dại chó (trong đó, xã La Pán Tẩn báo cáo nhân dân không đăng ký).

Chế biến măng khô xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.

Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 2.400 doanh nghiệp (DN), chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Trong những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ kinh tế tư nhân được thuận lợi trong kinh doanh phát triển; trong đó, điểm nhấn là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực từ 1/1/2018.

Khách đến xem và mua vàng trang sức tại một cửa hàng vàng.

Giá vàng trong nước sáng nay (18/5) đồng loạt tăng vọt theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục