Bệnh đã phát sinh tại 17 xã, thị trấn ở 6 huyện, thành phố
Từ ngày 17/5 đến 23/5, đã phát sinh 14 con bò, bê mắc bệnh VDNC tại 10 hộ thuộc 9 thôn, 8 xã, 5 huyện: Văn Chấn 1 con, Yên Bình 7 con, Trấn Yên 4 con, Văn Yên 1 con, Lục Yên 1 con. Các đơn vị chức năng đã tiêu hủy 11 con bò, bê.
Như vậy, từ 29/3 đến nay, bệnh VDNC xảy ra trên bò nuôi của 25 hộ tại 20 thôn, bản, 17 xã, của 6 huyện, thành phố gồm: thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên với tổng số bò, bê mắc bệnh là 37 con, đã tiêu hủy 29 con.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CNTY) phối hợp chặt chẽ với trung tâm dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly gia súc mắc bệnh, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy theo quy định, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc tại xã có dịch và báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh.
Trong tuần từ 17 - 23/5, tỉnh đã tiêm phòng được 325 liều vắc - xin VDNC cho đàn trâu, bò. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến 23/5 toàn tỉnh đã tiêm được 9.850 liều vắc - xin; việc kiểm dịch vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, kiểm dịch vận chuyển động vật xuất ra ngoài tỉnh 40 chuyến/20.739 con gia súc, gia cầm; kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn được 3 chuyến/900 con lợn với mục đích chăn nuôi thương phẩm nhập vào địa bàn từ tỉnh Vĩnh Phúc đến xã Đông An, huyện Văn Yên.
Cùng đó, Chi cục CNTY đã ban hành công văn về việc xác nhận cơ sở chăn nuôi thực hiện giám sát dịch bệnh; cấp 1 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 1 giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y; 1 chứng chỉ hành nghề thú y; 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; 1 giấy xác nhận cơ sở chăn nuôi thực hiện giám sát dịch bệnh; 1 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Theo lãnh đạo Chi cục CNTY cho biết: VDNC trên trâu, bò là loại dịch bệnh mới, khả năng lây nhiễm lớn nên ngành nông nghiệp và các địa phương nhanh chóng vào cuộc, tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp cần thiết để phòng chống, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Tiêm vắc - xin VDNC nhằm tạo miễn dịch chủ động và đồng bộ để phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò; ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, năng suất của đàn trâu, bò là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Quyết tâm khống chế dịch
Xác định tiêm phòng bao vây ổ dịch là biện pháp hiệu quả để khống chế dịch, những ngày qua, Chi cục CNTY đã nỗ lực trong cung ứng vắc - xin. Đồng thời đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc - xin VDNC và triển khai tới các huyện, thành phố, toàn ngành đã tập trung tối đa lực lượng về cơ sở, cùng với các địa phương hướng dẫn, giám sát kỹ thuật tiêm phòng, kỹ thuật vận chuyển, bảo quản vắc - xin; đôn đốc các địa phương tổ chức tiêm phòng bảo đảm hoàn thành trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, vắc - xin VDNC chỉ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, các địa phương rà soát, thống kê tổng đàn trâu, bò trong diện cần tiêm phòng, đặc biệt, đàn trâu, bò ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tuyên truyền, vận động các chủ trang trại thực hiện tiêm phòng, phấn đấu tỷ lệ tiêm đạt 100% trâu, bò trong diện tiêm phòng.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh VDNC sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, mùa phát triển của các loại véc - tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…).
Để việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh VDNC bảo đảm kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, các địa phương đang có dịch bệnh VDNC cần thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài.
Tổ chức tốt việc tiêm vắc - xin, giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… truyền bệnh.
Có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDNC bảo đảm kịp thời, hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò.
Kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò, không sử dụng sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Quang Thiều