Nhờ tích cực đầu tư chăm sóc, năng suất chè giống mới, chè Shan tuyết đều đạt trên 10 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 100 - 130 triệu đồng/ha. Cây chè Shan tuyết đã giúp đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo và vươn lên khá giả.
Chè Shan tuyết tập trung chủ yếu ở các xã: Suối Giàng, Nậm Búng, Gia Hội, Sùng Đô, huyện Văn Chấn và Phình Hồ, Bản Mù, huyện Trạm Tấu…
Để khai thác hiệu quả tiềm năng và đưa cây chè Shan tuyết thực sự là cây xóa nghèo và làm giàu ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, các xã vùng thượng huyện Văn Chấn và cũng nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã có đề án phát triển chè vùng cao giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích chè vùng cao là 3.385 ha; trong đó, có 800 ha chè Shan công nghiệp, sản lượng chè búp tươi đạt 8.000 tấn, giá trị thu nhập từ chè búp tươi ước đạt 35 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng chè Shan gieo hạt và 10 triệu đồng/ha trồng chè Shan giâm cành. Các địa phương đã triển khai thực hiện trồng mới được 488,2 ha gồm: 304 ha chè Shan gieo hạt, trên 184 ha chè Shan giâm cành. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện đề án trồng chè vùng cao giai đoạn 2016 - 2020 là trên 4.191 triệu đồng.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã phát triển được trên 3.000 ha chè vùng cao. Đáng chú ý là đã xây dựng, phát triển được trên 1.200 ha/800 ha kế hoạch vùng chè Shan hữu cơ; trong đó, Văn Chấn 950 ha, Trạm Tấu 250 ha, sản lượng búp tươi ước đạt 1.800/KH 800 tấn/năm, giá trị thu đạt trên 40 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra trên 5 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn với 674 ha chè Shan gồm 521 ha chè kinh doanh, 153 ha chè kiến thiết cơ bản, năm 2020 thu hái trên 650 tấn tươi, với giá thu mua bình quân 15.000 đồng/1 kg đã đem về cho người dân gần 10 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó, tại xã Suối Giàng còn có 3 cơ sở chế biến: Công ty TNHH Đức Thiện; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Suối Giàng; HTX Suối Giàng và 15 cơ sở sản xuất của các hộ với năng lực chế biến khoảng 20 tấn chè búp tươi/ngày; sản phẩm chè chế biến 100% là chè xanh; giá bán sản phẩm tùy thuộc theo loại dao động từ 200.000 - 650.000 đồng/kg và cao nhất là 2.000.000 đồng/kg.
Thực tế cho thấy, trồng và phát triển chè vùng cao, nhất là chè Shan tuyết đã mang lại hiệu quả rất cao nếu được đầu tư phát triển bài bản, sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì đây là một loại cây không chỉ xóa nghèo mà còn là cơ hội làm giàu ở vùng cao.
Tuy nhiên, để phát triển cây chè Shan vùng cao ngày một hiệu quả và phù hợp với thực tế, tỉnh cần xem xét và điều chỉnh lại mức hỗ trợ, bởi theo đề án là các hộ tham gia phải đảm bảo diện tích trồng mới từ 0,5 ha trở lên đối với hộ và 2 ha trở lên đối với nhóm hộ. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, nhiều hộ muốn tham gia thực hiện nhưng quỹ đất của hộ không đủ tiêu chí để tham gia.
Vấn đề nữa là, để trồng 1,0 ha chè Shan giâm cành thì người dân phải đầu tư tiền giống thực tế là trên 16 triệu đồng, nhưng theo quy định chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Như vậy, muốn trồng 1 ha, người dân cần phải bỏ ra 6 triệu đồng để mua giống sẽ gặp khó khăn bởi hầu hết các hộ tham gia thực hiện đều ở xã vùng cao, vùng 135 và là hộ nghèo và cận nghèo.
Phát triển cây chè nói chung và chè vùng cao, chè Shan tuyết nói riêng đã mang lại hiệu quả cao, là nguồn sinh kế bền vững ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực tiễn cho thấy, tỉnh cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp và phát triển liên kết theo chuỗi sản phẩm để mở rộng diện tích, tạo nguồn thu bền vững cho người dân.
Thanh Phúc