Yên Bái rất chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí… tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Không phát triển ồ ạt mà làm đến đâu chắc đến đó, các khu, điểm du lịch đã thu hút lượng khách khá ổn định như: vùng du lịch hồ Thác Bà, khu du lịch cộng đồng vùng Đông hồ, khu du lịch Lavie Vũ Linh, hay như khu du lịch Đại An (Khai Trung - Lục Yên) và một số điểm du lịch ở miền Tây như: du lịch sinh thái - cộng đồng huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ… Yên Bái đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay khá hấp dẫn. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện để thu hút du khách. Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến với Yên Bái ngày một nhiều, doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng mạnh, trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút trên 3 triệu lượt khách, trong đó có trên 227.000 lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 10,3%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 19,6% năm, tạo việc làm cho gần 8.000 lao động.
Trong 5 năm, Yên Bái đã thu hút 16 dự án đầu tư cho phát triển du lịch với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch đến nghiên cứu, đầu tư như: Tập đoàn Alphanam, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn TH True Milk, Công ty cổ phần Phát triển xanh Thịnh Đạt… Đến nay, tỉnh có trên 500 cơ sở, trong đó có 240 nhà nghỉ, khách sạn từ tiêu chuẩn đến 3 sao với trên 3.000 buồng và gần 5.000 giường và hàng trăm gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho thuê đáp ứng nhu cầu du khách. Năm 2020, tuy bị ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19 nhưng Yên Bái vẫn thu hút trên 760.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.
Những kết quả mà du lịch mang lại là rất lớn nhưng nhìn một cách toàn diện, tổng thể thì phát triển du lịch vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa có những sản phẩm du lịch độc đáo, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu...
Yên Bái xác định trong những năm tiếp theo phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu khu vực Tây Bắc. Mục tiêu phát triển đến năm 2025 tiếp tục đầu tư hình thành rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm (du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; du lịch miền Tây và du lịch Trấn Yên - Văn Yên).
Phát triển các ngành dịch vụ, thu hút đầu tư hạ tầng, dịch vụ lữ hành, vận chuyển, lưu trú, vui chơi giải trí, phấn đấu đến năm 2025 đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó có 400.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Doanh thu từ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, tăng bình quân 26%/năm, tạo việc làm cho trên 12.500 lao động. Số buồng, cơ sở lưu trú trên 5.000 phòng trở lên và có 20% số phòng đạt từ 3 sao trở lên… Đến năm 2030, tỉnh đón trên 2,5 triệu lượt khách (800.000 khách quốc tế), doanh thu đạt 4.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 33.000 lao động…
Để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tạo bước chuyển căn bản từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Mỗi người dân doanh nghiệp xây dựng bảo vệ hình ảnh, môi trường, thu hút đầu tư, nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Yên Bái.
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân trực tiếp và đóng vai trò chủ yếu trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch. Phát triển xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Để "tiếp lửa” cho du lịch phát triển, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Đối tượng áp dụng là tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái…
Trong đó, hỗ trợ việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn; đầu tư cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn, bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái phục vụ du khách; mua sắm trang thiết bị, đầu tư hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho du khách thuê; đầu tư mua sắm thiết bị gom rác thải tại các thôn, bản có hoạt động du lịch cộng đồng; xây nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ du khách… Hỗ trợ chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, chính sách hỗ trợ phát triển tài nguyên du lịch…
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân, cùng với cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư, chắc chắn, du lịch Yên Bái sẽ thu hút được du khách trong và ngoài nước, trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương.
Thanh Phúc