Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái có bước phát triển và đạt kết quả quan trọng. Hoạt động văn hóa, lễ hội được quan tâm, chú trọng; các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp, hoạt động có hiệu quả.
Xã Vân Hội và Việt Hồng của huyện Trấn Yên là những địa phương đã và đang tận dụng cơ hội này để phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trọng tâm là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Nằm trên địa bàn hai xã Vân Hội, Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Khu di tích lịch sử quốc gia chiến khu Vần những năm gần đây đã và đang trở thành điểm hấp dẫn thu hút du khách. Nắm bắt lợi thế từ những giá trị văn hóa - lịch sử, sự đa dạng, phong phú với tiềm năng thiên nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, người dân vùng chiến khu Vần đã tích cực học cách làm dịch vụ du lịch bài bản, bền vững, dựa vào cộng đồng...
Ông Phạm Huy Mai - Trưởng phòng Văn hóa huyện Trấn Yên cho biết: "Thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy, huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và trọng tâm là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại 2 xã Việt Hồng và Vân Hội nằm trong Khu di tích lịch sử chiến khu Vần. Việc khai thác cảnh quan sinh thái tự nhiên, cũng như các di tích lịch sử, danh thắng phát triển du lịch trong Khu di tích được huyện Trấn Yên xác định là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư khai thác.
Tuy mới ở giai đoạn khởi điểm, song qua việc khảo sát đánh giá mức độ tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương và hơn nữa là sự hưởng ứng tích cực của người dân, việc phát triển du lịch trên vùng đất chiến khu Vần đã bước đầu đạt kết quả tích cực. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại, tăng thu nhập cho người dân từ làm du lịch cộng đồng. Đồng thời, mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa du khách với cộng đồng, góp phần tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất chiến khu xưa...”.
Xã Việt Hồng - mảnh đất quần tụ chủ yếu là người Tày (chiếm 86%), với các địa danh từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của vùng chiến khu được chính quyền và nhân dân trân trọng giữ gìn, tôn tạo nhiều năm qua như: cây vải của ông Đình Trung, đình Làng Vần, đình Làng Dọc, hang dơi và các điểm tham quan thác Trường Thọ, ao sen Bản Nả, các hang động trong khu rừng tự nhiên; hay Di tích lịch sử cấp quốc gia nhà ông Trần Đình Khánh...
Ông Hoàng Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho hay: "Năm 2019, chính quyền xã lựa chọn Bản Nả và Bản Vần có nhiều ưu thế phù hợp trong việc xây dựng mô hình làng bản du lịch cộng đồng (homestay) theo mô hình tổng hợp, gắn kết với các điểm tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng.
Tại địa phương, đã có 5 gia đình đăng ký tham gia mô hình du lịch homestay. Bước đầu xã lựa chọn xây dựng 1 mô hình thí điểm là gia đình ông Hoàng Ngọc Liên ở bản Vần, đến nay đã đi vào hoạt động từng bước nâng cao hiệu quả... Từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch tham quan, trải nghiệm, ngủ nghỉ tại địa phương thu hút khoảng trên 2.000 lượt khách. Mô hình homestay của gia đình ông Liên tạo việc làm cho 3 - 4 lao động phổ thông, chủ yếu là con cháu trong nhà. Tuy nhiên, mức độ phát triển du lịch ban đầu ở địa phương còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và thiếu tập trung do chưa có nhiều cơ sở lưu trú, đa phần du khách đến trong ngày rồi về”.
Hướng tới mục tiêu đưa du lịch homestay trở thành một ngành phát triển kinh tế, chính quyền xã Việt Hồng đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá định hướng phát triển mô hình du lịch đến từng hộ dân, đồng thời triển khai đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, lễ tân, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; phát triển các sản phẩm đặc trưng như: mật ong rừng, bưởi Diễn, rau sạch, chè Bát tiên, nước tinh khiết Bản Nả; thành lập và duy trì hoạt động của 6 đội văn nghệ các bản, trong đó lấy đội văn nghệ Bản Nả làm nòng cốt…
Mới đây, xã Việt Hồng đã hoàn thành lớp học tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày và truyền dạy một số bài hát dân ca Tày; khôi phục phát triển một số sản phẩm truyền thống của dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch.
Đồng hành cùng Việt Hồng là xã Vân Hội với các địa danh Gò cọ, Đồng Yếng, đình Vân Hội - từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Vân Hội cũng đang manh nha phát triển du lịch với địa danh và cảnh quan thú vị như: thác Vân Hội, thác Vòi Rồng, ngòi Vần, ngòi Lĩnh, ngòi Chanh, ngòi Hạ, thác Quẽ, Ao xanh…
Đặc biệt, đầm Vân Hội có diện tích mặt nước trên 410 ha với hơn 40 đảo lớn nhỏ, nhận nguồn sinh thủy từ các dòng suối dồn nước từ các khu rừng già về, tạo thành một vùng non nước hữu tình. Vài năm trở lại đây, người dân Vân Hội tích cực khai thác du lịch sinh thái tại đầm nước lớn này, trong đó sen quê Vân Hội là sản phẩm du lịch đặc trưng độc, lạ, thu hút khá đông du khách đến thưởng ngoạn.
Hiện xã Vân Hội đã xây dựng được một số điểm du lịch sinh thái như: thung lũng hoa tình yêu ở thôn Khe Mon; sen quê Vân Hội, thôn Minh Phú; nhà nổi Vân Hội, thôn Đồng Chão; thung lũng hoa ven hồ, thôn Lao Động; đầm sen Vân Hội, thôn Khe Mon; mô hình du lịch homestay của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Minh Phú…
Tuy mới chỉ là khởi điểm, song trong hơn 2 năm gần đây, đã có trên 20.000 lượt du khách đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn vùng đất chiến khu cách mạng. Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch cùng giá trị văn hóa truyền thống của người Tày sẽ góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch, đưa Khu di tích chiến khu Vần trở thành điểm du lịch ấn tượng của tỉnh.
Vũ Đồng