Tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đến 30/4/2021 đạt 31.550 tỷ đồng, tăng 4,97% so với 31/12/2020.
Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 20.883 tỷ đồng, tăng 5,14% so với 31/12/2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,5%), chiếm tỷ trọng 66,2% trên tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động trên 12 tháng cũng tiếp tục tăng so với 31/12/2020 (tăng 20,19%) và ước đến 31/5/2021, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và QTDND trên địa bàn đạt 31.700 tỷ đồng, tăng 5,47% so với năm 31/12/2020.
Cụ thể, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 21.020 tỷ đồng, tăng 5,83%, chiếm tỷ trọng 66,3% trên tổng nguồn vốn; tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng và QTDND trên địa bàn đến 30/4/2021 đạt 27.360 tỷ đồng, tăng 3,8% so với 31/12/2020 (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,99%).
Tháng 5/2021 dư nợ tiếp tục tăng so với đầu năm, nhưng tăng thấp hơn so với tháng 4/2021 do dịch Covid - 19 bùng phát đã phần nào ảnh hưởng do phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa điểm, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn, nhất là lĩnh vực giải trí, du lịch, tiêu dùng.
Các chi nhánh ngân hàng vẫn tiếp tục giải ngân các dự án đã ký kết và các hợp đồng mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng và QTDND ước đến 31/5/2021 đạt 27.700 tỷ đồng, tăng 5,09% so với 31/12/2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,55%); dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 10.650 tỷ đồng, chiếm 38,4% tổng dư nợ, tăng 7,5%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 17.050 tỷ đồng, tăng 3,65%; dư nợ cho vay bằng VND đạt 27.604 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 96 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ.
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, trong tháng 4/2021, các chi nhánh ngân hàng, QTDND tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của NHNN Việt Nam. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 phát sinh từ đầu năm đến hết 30/4/2021 là 120 tỷ đồng, chiếm 0,44% so với tổng dư nợ trên toàn tỉnh. Các chi nhánh ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn cho 91 khách hàng.
Cụ thể là, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho 73 khách hàng với dư nợ 6 tỷ đồng; cho vay mới 18 khách hàng cá nhân với doanh số cho vay là 114 tỷ đồng; giảm nhiều loại phí trong giao dịch với khách hàng; dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/5/2021 ước đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 4,65% so với năm 31/12/2020 và chiếm 38,6% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến 31/5/2021 ước đạt 8.550 tỷ đồng, tăng 3,1% so với 31/12/2020 và chiếm 30,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến hết 30/4/2021 đạt 5.119 tỷ đồng, tăng 10,74% so với 31/12/2020 và chiếm 18,7% tổng dư nợ; dự ước đến hết 31/5/2021 dư nợ đạt 5.150 tỷ đồng, tăng 11,4% so với 31/12/2020.
Khả năng tiếp cận vốn tín dụng chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có tăng so với cuối năm 2020, nhưng cũng còn thấp (373/2.480 doanh nghiệp, tỷ lệ 15,04%). Nguyên nhân đến từ phía khách hàng, do thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế về quy mô và nguồn vốn, nhiều DNNVV vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị kém, năng suất lao động thấp; mức độ minh bạch thông tin của DNNVV chưa đáp ứng đặc biệt là các thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV. Do đó, thiếu cơ sở cho các chi nhánh ngân hàng đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn của các DNNVV.
Phạm Quang