Là hộ đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh Thào A Phổng, bản Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã có cuộc sống khấm khá. Anh Phổng chia sẻ: "Năm 2010, tôi chuyển một số diện tích nương đồi hoang hóa sang trồng sơn tra; trồng hơn trăm gốc hồng không hạt trong đất vườn trồng ngô một vụ; chuyển toàn bộ ruộng nước, ngô nương sang gieo trồng bằng các loại giống ngô lai. Tiếp đó, năm 2017, với số vốn 130 triệu đồng từ tiết kiệm được và vay mượn thêm của anh em, tôi đầu tư mua vật liệu về xây chuồng trại, lưới thép rào toàn bộ vườn hồng và mua 12 con giống lợn rừng về nuôi”.
Với lợi thế chủ động được nguồn thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, thân chuối, rau rừng và giống lai lợn rừng có sức đề kháng cao, chống chịu dịch bệnh tốt hơn lợn thường ở địa phương nên rủi ro cũng thấp. Vì vậy, đàn lợn rừng lúc cao điểm lên đến trên 70 con và mỗi năm sau khi trừ chi phí anh Phổng có lãi trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, vườn hồng không hạt, sơn tra bình quân cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, anh Phổng có điều kiện nuôi con ăn học chu đáo, làm nhà khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi hiện đại.
Hiện nay, cùng với chăn nuôi, xã Nậm Khắt đã chuyển hàng chục héc - ta đất nông nghiệp sang trồng các cây nông nghiệp chất lượng cao, mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây trồng truyền thống.
Bà Lã Thị Kiên - chủ một vườn trồng hoa hồng cho biết: "Tôi thuê hơn 2 ha đất của người dân với giá 35 triệu đồng/ha/năm để trồng hoa. Hiện, bình quân mỗi tháng cho thu hoạch từ 22.000 đến 23.000 bông hoa với giá bán bình quân trên 3.000 đồng/bông đã thu về trên 70 triệu đồng và sau khi trừ các chi phí vật tư, thuê nhân công vẫn có lãi trên 30 triệu đồng/tháng”.
Đến nay, xã Nậm Khắt có trên 42 ha đất trồng cây nông nghiệp hàng năm được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng mới; trong đó, có trên 19 ha được chuyển sang trồng hoa hồng Pháp 10 màu; hơn 6 ha chuyển sang trồng tỏi, su su, rau bắp cải.
Đối với cây ăn quả, hiện toàn xã có trên 40 ha, gồm hơn 10 ha đã được thu hoạch quả với các loại cây: đào, mận, hồng giòn không hạt.
Riêng cây sơn tra, toàn xã có trên 1.170 ha và đã có trên 200 ha được thu hoạch với sản lượng đạt khoảng trên 650 tấn/năm. Xã cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc tốt 120 ha chè; trong đó, có nhiều diện tích chè trồng trên 15 năm với phương pháp chăm sóc thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng quy cách, sơ chế đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ngoài ra, với diện tích rừng trên 10.000 ha, nhân dân đã tận dụng tán rừng trồng trên 190 ha cây thảo quả và trên 155 ha sơn tra dưới tán rừng phòng hộ. Nhiều hộ mạnh dạn phát triển các mô hình chăn nuôi lợn, dê, trâu, bò và nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa cho thu nhập ổn định.
Với phương châm vừa đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ vừa phát huy tối đa hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh địa phương, xã Nậm Khắt còn chủ trương quy hoạch 150/420 ha ruộng nước thành vùng sản xuất lúa chuyên canh và 160/330 ha đất ngô chuyên canh.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đã góp phần duy trì sản lượng lương thực có hạt hàng năm của xã Nậm Khắt đạt trên 3.000 tấn, bình quân lương thực đầu người trên 600 kg, bình quân thu nhập đạt trên 36 triệu đồng/năm 2020.
Châu Á