Từ năm 2011, mắc ca được người dân trồng tự phát theo hình thức phân tán. Đến nay, toàn tỉnh đã có 50 ha mắc ca trồng tập trung tại các huyện: Trấn Yên, Lục Yên; 5 ha trồng xen canh dưới tán chè ở huyện Văn Chấn.
Hộ gia đình anh Phí Hữu Hiểu tại tổ dân phố 3, thị trấn nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn trồng 40 cây mắc ca từ năm 2011 tại vườn nhà. Đến nay, cây cao từ 2,5 - 3 mét, sinh trưởng, phát triển tốt. Đến năm thứ 5, cây bắt đầu cho thu hoạch, những cây sai quả cho năng suất 30 kg quả/năm. Tại thôn 9, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, gia đình anh Hà Ngọc Anh trồng 450 cây mắc ca từ năm 2014 trên đất đồi của nhà. Đến nay, cây có chiều cao từ 3 - 4 m, bắt đầu cho thu hoạch sau trồng 4 năm, đã có những cây cho thu hoạch từ 30 - 50 kg quả.
Nhận thấy sự triển vọng của cây mắc ca, UBND tỉnh đã định hướng thử nghiệm trồng mắc ca thông qua việc giao Chi cục Kiểm lâm triển khai Đề tài khoa học "Thử nghiệm trồng cây mắc ca tại các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái” với phương thức trồng thuần loài và trồng xen chè tại các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn với diện tích 12 ha.
Đồng thời, đồng ý để huyện Văn Chấn phát triển trồng mắc ca xen chè với diện tích khoảng 500 ha; chấp thuận để Công ty CP Liên Việt khảo sát lập dự án đầu tư trồng mới trên 300 ha mắc ca ở huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải. Ông Nguyễn Lâm Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng, tỉnh Yên Bái có điều kiện, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây mắc ca, đặc biệt là tại các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Tuy nhiên, muốn phát triển cây mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 nhà. Theo công bố hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp năm 2020, Yên Bái có trên 47.000 ha đất lâm nghiệp khác, trong đó có diện tích có khả năng trồng cây lâm nghiệp nói chung và cây mắc ca nói riêng. Cùng đó, toàn tỉnh có trên 7.000 ha chè có thể trồng xen canh mắc ca.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đề nghị Hiệp hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát, xác định địa điểm, quy mô và diện tích trồng, trình cấp có thẩm quyền xem xét xác định diện tích trồng cây mắc ca phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Yên Bái; tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc các mô hình trồng thử nghiệm, mô hình hiện có trên địa bàn huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên.
Đồng thời, giới thiệu các công ty, doanh nghiệp thành viên đầu tư xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh… Tỉnh Yên Bái cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện để Hiệp hội Mắc ca khảo nghiệm, khảo sát và phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Cả nước hiện có 23 tỉnh trồng mắc ca với diện tích khoảng trên 16.500 ha, tập trung tại Tây Nguyên và Tây Bắc, sản lượng thu về khoảng 6.500 tấn hạt tươi, tương đương 4.900 tấn hạt khô. Tại khu vực Tây Bắc, đã có 1 số tỉnh tiên phong trồng mắc ca và mang lại hiệu quả kinh tế cao như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên.
Văn Thông