Kiểm lâm viên Nguyễn Duy Sơn phụ trách địa bàn xã Bản Công cho biết, toàn xã có trên 7.146 ha rừng, trong đó có trên 5.186 ha rừng phòng hộ. Phần lớn diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn nằm xa nơi dân cư, gần các bãi chăn thả gia súc tại các vùng giáp ranh nên gây khó khăn trong việc quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đặc biệt, do áp lực về lương thực, một phần vì tập quán canh tác nương rẫy nên nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn rất cao.
Theo thống kê, các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn xã Bản Công những năm qua, chủ yếu do người dân đốt bãi chăn thả, sản xuất nương rẫy để cháy lan vào khu rừng bên cạnh. Để hạn chế cháy rừng, ngay từ đầu tháng 10 hàng năm, xã đã lên kế hoạch PCCCR.
Cụ thể, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR gồm 31 thành viên; có kế hoạch phân công các thành viên xuống thôn bản cùng cơ sở chỉ đạo công tác PCCCR, nhất là các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Ở 5 thôn, bản trong xã đều có tổ, đội PCCCR với 77 người tham gia; phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng các phương án PCCCR bảo đảm sát và hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền xã lồng ghép công tác tuyên truyền về trách nhiệm PCCCR của người dân trong các cuộc họp thôn, bản; tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR đến tất cả các hộ dân, đồng thời hướng dẫn người dân cách phát nương, dọn thực bì và làm đường ranh cản lửa phòng khi đốt nương cháy lan vào rừng.
Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết thêm: "Bắt đầu từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4 hằng năm là thời gian cao điểm người dân sản xuất trên nương, chuẩn bị đất gieo vụ mới nên thường hay xảy ra cháy rừng. Do đó, để hạn chế cháy rừng vào tháng 11, 12 hàng năm, chúng tôi phối hợp với cán bộ kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu thống kê diện tích nương rẫy gần rừng, hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng.
Đồng thời, quy định tất cả các hộ khi đốt nương rẫy phải báo cho trưởng thôn và kiểm lâm địa bàn biết ngày giờ đốt để kiểm soát. Vào các ngày cao điểm nắng nóng, xã thường xuyên phát các bản tin cảnh báo cháy rừng trên loa truyền thanh xã. Đồng thời mỗi thôn bản đều cử các tổ, đội bảo vệ rừng, PCCCR thay phiên nhau gác rừng”.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR, nên 3 năm trở lại đây trên địa bàn không còn để xảy ra tình trạng cháy rừng. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất của người dân lớn nên tình trạng làm nương rẫy nằm xen kẽ với rừng nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Để hạn chế cháy rừng, trong thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; phối hợp với lực lượng kiểm lâm rà soát diện tích nương rẫy, lên danh sách số hộ sản xuất nương rẫy và hướng dẫn cho bà con cách đốt nương để tránh lây lan vào rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ rừng, các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện các phương án PCCCR.
Chỉ đạo các tổ, đội nhận khoán bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn việc phá rừng, phát lấn vào rừng để sản xuất nương rẫy trái phép. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa cây sơn tra vào trồng dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt vừa góp phần làm giàu vốn rừng vừa nâng cao thu nhập cho người dân từ đó giảm thiểu tình trạng phát phá rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”.
Văn Thông