Ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu - Nghĩa Lộ cho biết, trong tổng số 46,080.77 ha rừng có 33.589,8 ha rừng phòng hộ; 9.254.34 ha rừng sản xuất còn lại là rừng ngoài quy hoạch. Toàn bộ diện tích rừng được phân bố trên địa bàn các xã tập trung số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ý thức bảo vệ rừng (BVR) của người dân còn hạn chế, tập quán sống dựa vào rừng của người dân chưa được loại bỏ nên tác động tiêu cực của người dân đối với rừng vẫn còn rất lớn. Trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao tập trung ở các xã: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán, Tà Si Láng, Làng Nhì.
Các vụ cháy rừng xảy ra do tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy và đốt các bãi chăn thả gia súc để cháy lan vào rừng. Đơn cử như vụ cháy rừng ngày 11/3/2021, tại thôn Mù Thấp, xã Bản Mù làm thiệt hại 2,96 ha rừng trồng sản xuất được trồng từ năm 2010 của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu.
Nguyên nhân gây ra cháy rừng được xác định do đối tượng Sùng A Làng, sinh năm 2000 đốt nương sơ ý để xảy ra cháy lan vào rừng. Trước thực trạng này, lực lượng kiểm lâm, chính quyền các xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tốt nạn phát phá rừng làm nương rẫy.
Ông Vũ Trọng Huân cho biết: để hạn chế tình trạng phát phá rừng làm nương rẫy, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, kẻ pa nô, áp phích, tổ chức cho nhân dân học tập, ký cam kết trong việc BVR và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đồng thời, phối hợp cùng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu và UBND các xã tiến hành rà soát, thống kê những mảnh nương gần rừng của các hộ đang sản xuất có nguy cơ cháy lan vào rừng và tổ chức hướng dẫn cho bà con đốt nương rẫy theo đúng quy định, quy trình kỹ thuật. Đối với những mảnh nương có nguy cơ cháy lan vào rừng ở mức độ cao Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp với cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện tiến hành lập biên bản đình chỉ không cho đốt, hoặc đốt có kiểm soát với các chủ hộ”.
Là địa phương nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng, xã Bản Công đã triển khai nhiều giải pháp PCCCR hiệu quả. Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có trên 7.146 ha rừng; trong đó, có trên 5.186 ha rừng phòng hộ và diện tích này xa khu dân cư, gần các bãi chăn thả gia súc tại các vùng giáp ranh nên nguy cơ cháy rừng rất cao.
"Chúng tôi luôn có lịch phân công cán bộ phụ trách lâm nghiệp của xã trực PCCCR trong mùa nắng nóng để tuần tra, theo dõi và ngăn chặn kịp thời người dân sử dụng lửa gần rừng nhằm hạn chế xảy ra cháy rừng. Đồng thời tuyên truyền người dân không được đốt thực bì trong những ngày thời tiết nắng nóng, trường hợp cần thiết đốt thực bì để trồng rừng thì phải báo cáo cho Hạt Kiểm lâm và UBND xã biết theo dõi, hướng dẫn” - ông Chư cho hay.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, kiểm soát tốt tình trạng đốt nương rẫy, đốt bãi chăn thả đã hạn chế tối đa cháy rừng gây ra. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn chỉ để xảy ra 1 vụ cháy rừng, giảm 3 vụ so với năm trước.
Với phương châm "phòng cháy hơn chữa cháy” ngay từ bây giờ huyện chỉ đạo các xã tổng kết kiểm điểm đánh giá kết quả công tác PCCCR niên vụ 2020 - 2021 để rút kinh nghiệm; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác BVR và PCCCR; hạt kiểm lâm tăng cường cán bộ kiểm lâm về các địa bàn trọng điểm về cháy rừng, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy theo quy hoạch; duy trì công tác thông tin báo cáo công tác BVR, PCCCR kịp thời, chính xác.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ, chính quyền các xã chỉ đạo và vận động nhân dân thực hiện các biện pháp PCCCR như: phát dọn thực bì, không đưa lửa vào rừng, chính quyền xã tổ chức tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc BVR và PCCCR rừng; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Văn Thông