Khát vọng Tân Lập

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/8/2021 | 11:04:58 AM

YênBái - Từ một xã trung tâm sôi động của huyện Lục Yên những năm 1970, khi Thủy điện Thác Bà bắt đầu tích nước, Tân Lập bị chia cắt gần như trở thành “ốc đảo”. Đến nay, Tân Lập vẫn là xã khó khăn nhất, cũng là địa phương cuối cùng của huyện Lục Yên dự kiến đạt xã nông thôn mới vào năm 2026.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh khảo sát làm cầu dân sinh tại thôn Cát, xã Tân Lập.
Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh khảo sát làm cầu dân sinh tại thôn Cát, xã Tân Lập.

Chúng tôi cùng đoàn công tác của Tòa án nhân dân tỉnh - đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao phụ trách xã về Tân Lập để khảo sát tình hình hộ nghèo nơi đây. Con đường vào xã dài hơn chục cây số toàn "ổ trâu” với "ổ voi”, thi thoảng lại có đoạn cống bật nắp, lái xe không quen đường hay lơ là chút là sập bánh. Tân Lập toàn đồi núi, những diện tích đất canh tác màu mỡ đã trở thành một phần của hồ Thác Bà, giờ chỉ còn 80 ha đất lúa phân chia cho 1.001 hộ với 4.562 khẩu. Cuộc sống người dân khốn khó trăm bề khi bao quanh xã chỉ toàn núi cao, với mặt nước hồ Thác Bà. 

Phó Bí thư Đảng ủy xã Triệu Quốc Kiệm cho biết: "Tổng diện tích đất toàn xã là 3.209 ha, trong đó 80 ha đất lúa, gần 100 ha đất bán ngập, 12 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, còn lại là đất rừng và núi đá. Vụ xuân vừa qua, bà con "đánh liều” canh tác hơn 40 ha lúa dưới vùng đất bán ngập, trước khi Thủy điện Thác Bà tích nước đã may mắn cho thu hoạch. Canh tác như vậy bà con sẽ có thêm chút thu nhập, nhưng cũng có năm mất trắng vì nước hồ dâng sớm. Trước đây, làm vụ đông, người dân tranh thủ trồng cấy trên vùng bán ngập hoặc đi hồ đánh cá, nhưng bây giờ canh tác vùng bán ngập chưa thực sự bền vững nên đa phần thanh niên đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn người già với trẻ nhỏ”. 

Đang mùa dịch, xã đến tận nhà vận động gia đình giữ con em mình ở tại chỗ hết dịch mới trở về, tránh trường hợp vừa qua có 2 công dân đã từng mắc bệnh Covid-19 trở về, khai báo không rõ ràng khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Phó Bí thư Triệu Quốc Kiệm cho biết thêm: "Quê nhà khó khăn nên thanh niên mới phải bươn chải đi làm ăn xa, ai mà thích xa nhà để lại bố mẹ già, con cái không người chăm lo đâu”.

Tân Lập là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn và nghèo nhất huyện, chính là nguyên nhân xã chưa đạt xã nông thôn mới trong nhiệm kỳ này. Giao thông thì khó khăn nên sản phẩm bà con làm ra không tiêu thụ được, những sản phẩm có giá như: lạc, đậu tương, gỗ rừng trồng đều phải bán giá rẻ. Vì vậy, bài toán 104 hộ nghèo cùng với 201 hộ cận nghèo của Tân Lập chưa biết lời giải như thế nào. 

Khi cùng đoàn công tác đến từng hộ nghèo khảo sát mới thấy, trong số 15 hộ nghèo mà Tòa án nhân dân tỉnh đi khảo sát đợt này, đa phần là những hộ không có đất sản xuất, hộ có chút đất thì không có trâu cày, máy cày; vẫn có hộ còn ở nhà tạm, hoặc mới chỉ kiên cố một phần. 

Ông Nguyễn Văn Sơn, hộ nghèo ở thôn Cát cho biết: "Gia đình chỉ còn hai vợ chồng già ở với nhau, con cái kéo nhau vào Nam làm cả rồi. Chúng tôi không có đất ruộng, đất rừng, chỉ có ít đất vườn tạp làm chuồng chăn nuôi lợn nhưng không có tiền mua con giống”. 

Còn hộ bà Đặng Văn Lên, thôn Hạ Giang có 3 sào ruộng nhưng không có công cụ sản xuất, đến vụ cày cấy lại phải đi thuê vì vào vụ nhà ai cũng cần. Đặc biệt, thôn Cát có 12 hộ nằm cách đường liên xã một con suối, mùa mưa gần như bị cô lập, người dân đã nhiều năm đóng góp kinh phí nhưng cũng chỉ làm được nửa cây cầu rồi bỏ đó.

Ông Lê Thái Hưng - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: "Sau đợt khảo sát này, chúng tôi quyết định sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng để người dân hoàn thiện nốt cây cầu. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ cho 15 hộ với tổng số tiền 85 triệu đồng để mua con giống, công cụ sản xuất như mua máy cày mini hay xóa nhà tạm, làm bếp, làm nhà vệ sinh… theo nhu cầu của các hộ dân. Toàn bộ số tiền này là đóng góp của tập thể cán bộ, công chức và người lao động ở tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh”. 

Và nói là làm,  ngày 19/8 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức trao tận tay 15 hộ nghèo tổng số tiền 85 triệu đồng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Điều đáng mừng là qua các đợt khảo sát, nhiều hộ nghèo có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Nhiều hộ tuy vẫn là hộ nghèo nhưng có nội lực và quyết tâm thoát nghèo trong năm 2021 mà không cần đến sự hỗ trợ. 

Anh Trương Văn Thóc, thôn Xiêng 1 cho biết: "Vì không đủ tiền đầu tư nên tôi cùng với một nhóm thanh niên trong thôn góp vốn cùng nhau mua một thuyền cá nhỏ, chúng tôi thay nhau đi hồ đánh cá nên thu nhập khá ổn định. Tôi cũng mong muốn có tiền để mua thêm đôi lợn giống về nuôi, nhưng hiện tôi đã tích cóp gần đủ nên không cần nhận hỗ trợ nữa, để hỗ trợ những người còn khó khăn hơn”.

Năm 2021, huyện Lục Yên xác định, cần thiết, cấp bách phải đầu tư nâng cấp tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh để thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 xã đặc biệt khó khăn. Trước đó, toàn bộ tuyến đường đã được thắp sáng bằng nguồn vốn xã hội hóa trên 100 triệu đồng, toàn bộ hành lang tiếp tục được người dân tự giác giải phóng, sửa chữa. 

Phong trào hiến đất làm đường được người dân hưởng ứng nhiệt tình, sự hứng khởi, tự giác cho thấy khát khao, mong đợi của người dân về một con đường. Được biết, tổng số đã có 244 hộ tham gia hiến đất, cây cối, tường rào với trên 30.000 m2 đất, 1.500 m tường rào, 436 m2 sân, hơn 1.000 cây cối các loại. 

Ông Hoàng Quang Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: "Người dân Tân Lập mong mỏi tuyến đường này đã rất lâu rồi, tuyến đường được đầu tư sẽ là đòn bẩy để kinh tế - xã hội của địa phương phát triển”.

Năm 2021, Tân Lập đề ra 24 chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đến hết tháng 7, đã có 20 chỉ tiêu đánh giá được tiến độ, trong đó 10 chỉ tiêu đạt và vượt. Trong số những chỉ tiêu chưa đạt có 3 chỉ tiêu khó thực hiện, đó là: thu ngân sách hết tháng 7 đạt 45/145 triệu đồng, bằng 31% kế hoạch; kết nạp 3/7 đảng viên; cây ăn quả trồng mới đạt 0,5 ha/1ha. 

Để khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực vừa đảm bảo lãnh đạo thường xuyên, vừa kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Phát huy nội lực, xã cũng tiếp tục tăng cường triển khai mô hình kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, xây dựng hộ mẫu, vườn mẫu, thôn mẫu... Đó chính là những bước đi quan trọng, nền tảng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Lập hoàn thành được mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2026.

Anh Dũng

Các tin khác

Huyện Văn Chấn hiện có 16 thôn, bản với tổng số 1.410 hộ gia đình chưa được sử dụng điện quốc gia, hầu hết là các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 98% số doanh nghiệp tại Việt Nam và đang gặp rất nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Trong thư kiến nghị gửi Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mong muốn được tháo gỡ những khó khăn bằng các chính sách kịp thời.

Vàng miếng SJC tăng mạnh, cao hơn vàng nhẫn 5,6 triệu đồng/lượng.

Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng miếng SJC tăng 150.000 đồng/ lượng ở cả 2 chiều, cao hơn vàng nhẫn 9999 SJC 5,6 triệu đồng/ lượng. Giá vàng nhẫn không chênh lệch nhiều với giá vàng thế giới quy đổi, trong khi vàng miếng vẫn cao hơn giá thế giới trên 7 triệu đồng/ lượng.

Đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện là các khách hàng đang mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục