Hơn một năm nay, trang trại chăn nuôi gà của gia đình bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Quyết Tiến, xã Y Can được "giải cứu” mùi hôi nhờ sử dụng men vi sinh IMO theo hướng dẫn của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên.
Với mô hình chăn nuôi hơn 1.500 con gà trước đây mặc dù đã dùng nhiều cách như: trộn men vi sinh vào thức ăn, vệ sinh chuồng trại thường xuyên… nhưng vẫn không hạn chế được mùi hôi và sự ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của gia đình mà còn khiến cho đàn gà thường xuyên bị dịch bệnh.
Từ khi tự ủ và dùng men vi sinh mùi hôi giảm hẳn; đồng thời, mỗi lứa gà bà Hằng còn tiết kiệm được từ 5 đến 7 triệu đồng tiền cám men và thuốc. Bà Hằng chia sẻ: "Nguyên liệu sẵn có, dễ làm dễ sử dụng lắm. Từ ngày sử dụng men vi sinh IMO này vừa giảm mùi vừa tiết kiệm được tiền cho con ăn học”. Bên cạnh sử dụng để phục vụ chăn nuôi và xử lý chất thải, chế phẩm sinh học IMO còn được dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm bạc màu đất, bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng.
Chế phẩm IMO là loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn. Chế phẩm này bao gồm rất nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại lâu năm ở môi trường tự nhiên tại địa phương.
Công thức tạo men vi sinh IMO bao gồm: nước men giống, cám gạo, đường nâu và nước sạch. Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần sau 7 ngày có thể sử dụng. Tùy theo mục đích của người dùng, từ men này có thể pha loãng với nước sạch làm nước xịt khử mùi hôi trong không khí, dùng ủ phân bón vi sinh hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.
Mô hình sử dụng men vi sinh IMO để xử lý mùi hôi, chất thải, sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới chuyển giao tại xã Y Can, huyện Trấn Yên từ cuối năm 2020.
Ông Hoàng Quang Tùng - Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật vùng Yên Bái và Tuyên Quang của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới chia sẻ: "Với các nguyên liệu sẵn có tại địa phương và những kỹ thuật chuyển giao cho đối tác địa phương, chúng tôi ghi nhận bà con áp dụng tốt, bà con áp dụng triệt để và trong quá trình triển khai chúng tôi nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Ngoài những thôn vùng dự án, xã đã nhân rộng ra các thôn khác và được bà con ủng hộ”.
Có thể thấy, mô hình ứng dụng men vi sinh xử lý mùi hôi chất thải, làm phân bón, thuốc trừ sâu đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, qua đó thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Ông Vũ Quốc Tiên - Chủ tịch UBND xã Y Can cho biết: "Mô hình sử dụng chế phẩm IMO được đưa vào thử nghiệm tại xã đã mang lại hiệu quả rất lớn và làm thay đổi thói quen canh tác của người dân trước kia là dựa vào các sản phẩm bảo vệ thực vật hóa học. Cho hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường là những gì bà con nông dân nhìn thấy ngay nên sau khi mô hình triển khai thí điểm đã được nhân rộng tại địa phương. Chương trình đã để lại dấu ấn và trên đà nhân rộng tại địa phương”.
Hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho con người thì yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng.
Để làm được điều đó, trước tiên cần phải hạn chế tình trạng sử dụng thuốc hóa học, hóa chất mà thay thế bằng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh và chế phẩm sinh học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp có những ưu điểm vượt trội, đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân cũng như thân thiện với môi trường.
Đại diện Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại vùng Yên Bái, Tuyên Quang đã chia sẻ, từ hiệu quả ở huyện Trấn Yên sẽ có kế hoạch vận động cấp tỉnh trong ứng dụng mạnh mẽ nhân rộng ra các xã, các huyện ngoài vùng dự án.
Thanh Ba