"Sức khỏe” DN suy giảm
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã ảnh hưởng trên diện rộng, dẫn đến việc tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của DN trên địa bàn tỉnh như: gỗ ép, chè, tinh bột sắn, sứ cách điện, bột đá… bị hạn chế. Mặt khác, chi phí vận chuyển trong nước cũng như cước phí vận tải biển quốc tế tăng cao; giá vật tư nguyên liệu đầu vào cũng tăng dẫn đến sản xuất, kinh doanh của DN không hiệu quả, doanh thu giảm sút.
Ông Nguyễn Quang Khâm - Giám đốc Công ty TNHH Chè Bình Thuận cho biết: "Tính đến 31/7, Công ty đã sản xuất và xuất được 750 tấn chè đen thành phẩm, còn tồn kho 350 tấn. Không chỉ hàng tồn kho lớn mà hiện các DN chế biến chè gặp nhiều khó khăn do giá cước vận tải trong nước cao, đặc biệt giá cước tàu biển tăng cao và không có điểm dừng. Trước đây, khi xuất đi Nga, DN chỉ phải trả từ 5.200 - 5.300 USD/container, nhưng giờ lên 15.000 - 16.000 USD/container, gây nên nhiều khó khăn cho DN. Cùng với đó, chi phí cho công tác phòng, chống dịch như mua máy đo thân nhiệt, thuốc sát trùng, khẩu trang và các khoản khác đã khiến giá thành sản xuất của Công ty tăng lên khá cao; trong khi đó, các nguyên vật liệu đầu vào như: điện, than không giảm”.
Sức chịu đựng của các DN trong các ngành: du lịch, ăn uống, lưu trú, vận tải... cũng đã tới hạn khi phải gánh chịu những tác động tiêu cực kéo dài, âm ỉ.
Là DN chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, ông Phạm Việt Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái cho biết: "DN có 192 xe, nhưng hiện tại tất cả các xe chạy tuyến liên tỉnh tạm dừng hoạt động, chỉ còn 29 xe chạy tuyến nội tỉnh và hoạt động chỉ để cầm cự vì lượng khách không có. Doanh thu sụt giảm chỉ còn 12% so với tháng chưa có dịch; trong khi đó, DN vẫn phải chi phí cố định như lãi suất ngân hàng, tiền bảo hiểm phương tiện, các loại thuế phí "khác”.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh có 2.597 DN và 564 hợp tác xã. Qua 8 tháng của năm, toàn tỉnh có 209 DN thành lập mới, tăng 45,14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, hiện đã có 418 DN phải ngừng hoạt động, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2020; 28 DN phải giải thể, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020. Đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn do phải ngừng, nghỉ, mất việc làm. Cụ thể, tính đến tháng 8/2021, số lao động bị mất việc được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 2.360 người với tổng số tiền chi trả trên 31 tỷ đồng.
Ông Trần Công Bình - Chủ tịch Hiệp Hội DN tỉnh cho biết: "Cộng đồng DN đánh giá các nỗ lực của tỉnh các cấp, ngành trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid -19. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh xem xét có chính sách miễn giảm thuế; giảm lãi suất cho vay ngân hàng để hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX); miễn đóng giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN; hỗ trợ các DN, HTX trong xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và ưu tiên tiêm vắc - xin phòng Covid -19 cho cán bộ quản lý và công nhân viên của các DN, HTX trên địa bàn nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận tải, các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ sử dụng nhiều lao động”.
Chế biến măng khô xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình. (Ảnh: T.L)
Tiếp sức cho DN
Trước những khó khăn của DN do đại dịch Covid -19 gây ra, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai toàn diện các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, an sinh xã hội theo các nghị quyết của Chính phủ.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngay sau khi Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ban hành (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19), Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, chi cục khẩn trương triển khai thực hiện một cách nhanh nhất. Đến trung tuần tháng 8, ngành thuế tỉnh đã thực hiện tiếp nhận 341 hồ sơ gia hạn với tổng số tiền thuế được gia hạn là 141 tỷ đồng cho các DN; triển khai chính sách hỗ trợ đối với 243 hộ kinh doanh với số tiền thuế hỗ trợ là 129 triệu đồng”.
Cùng với các chính sách hỗ trợ về thuế, để tăng sức đề kháng cho DN, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ; các khoản cho vay mới có lãi suất thấp hơn trước khi có dịch Covid -19 và toàn bộ dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/1/2020 đều được giảm lãi suất từ 0,2% đến 2,5%/năm tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng và giảm nhiều loại phí giao dịch khách hàng.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, tính hết ngày 31/7, các chi nhánh ngân hàng đã áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho 7.941 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đặc biệt, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, các gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được triển khai kịp thời.
Ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: "Ngay sau khi Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 được ban hành, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị SDLĐ; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan quản lý đối tượng, đơn vị SDLĐ và người lao động trên địa bàn tỉnh về chính sách hỗ trợ này.
Đến thời điểm này, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện xong việc gửi thông báo đến 1.363 đơn vị với số lao động là 23.198 người thuộc diện được điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp để các đơn vị chủ động phương án hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền điều chỉnh giảm tạm tính là khoảng 7.068 triệu đồng. Đây cũng là chính sách đầu tiên trong "gói hỗ trợ” đã được hoàn tất. Cùng với đó, đến ngày 12/8, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 632 lao động tại 8 đơn vị đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để phê duyệt danh sách hỗ trợ khác”.
Cùng với bảo hiểm xã hội, để hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái (NHCSXH) đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23.
Đến ngày 15/8, trên địa bàn tỉnh đã có 4 DN được vay với số tiền 603 triệu đồng. Là DN đầu tiên trên địa bàn thành phố Yên Bái được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định 23, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái - ông Phạm Việt Hùng cho biết: "Vừa qua, đơn vị được Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái giải ngân trên 191 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 59 lượt lao động. Đây thực sự là phao cứu sinh trong lúc DN gặp khó khăn nhất”.
Với tinh thần chủ động, triển khai tích cực, đồng bộ của hệ thống chính trị, các chính sách hỗ trợ cho người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã được triển khai kịp thời, góp phần giải quyết kịp thời khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đa số DN mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kéo dài chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm gia hạn các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong năm 2021 và 2022.
Văn Thông