Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/9/2021 | 9:24:31 AM

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu siết chặt kiểm soát tín dụng bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu siết chặt kiểm soát tín dụng bất động sản.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ra văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động. Trong đó, cơ quan này đặc biệt yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch COVID-19, đặc biệt là tín dụng lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.

Các ngân hàng phải lưu ý thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, nhất là đối với các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh.

NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản; duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Các ngân hàng cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, trong đó, tập trung phân loại khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch.

"Ưu tiên, tập trung cho vay đối với các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế… theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19", văn bản nêu rõ.

NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 năm 2020 và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021.

Đồng thời, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với TCTD có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các nhà băng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro. Trong thời gian tới, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế/không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Các tổ chức tín dụng cần rà soát, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (gồm dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung), đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí. Các bên chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc để có các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19; tiếp tục xem xét chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập, đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả (nợ xấu cao, kinh doanh thua lỗ kéo dài) để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung xử lý, khắc phục các tồn tại.

(Theo VTV)

Các tin khác
Hàng loạt máy bay

Các hãng hàng không được chủ động xây dựng lịch bay, mở bán vé, tiến hành khai thác… theo các nội dung của kế hoạch. Khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại địa phương, việc mở bán vé, khai thác sẽ thay đổi tương ứng.

Một góc Khu nghỉ dưỡng Dragonfly, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch của thị xã Nghĩa Lộ bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ phải đóng cửa do lượng khách sụt giảm. Trước những khó khăn đó, thị xã đã kịp thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực du lịch có thể duy trì, phục hồi trong “bão” dịch.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên đánh giá kết quả mô hình trồng giống lúa thuần HANA6 tại xã Mường Lai.

Vụ mùa năm 2021, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp Lục Yên đã triển khai 5 mô hình khảo nghiệm giống lúa mới là HG12, HANA6, Dự hương 8, Thụy hương 308, VNR 20 với quy mô trên 12 ha tại các xã: Lâm Thượng, Mường Lai, Minh Chuẩn, Mai Sơn.

Nông dân Lục Yên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, chuẩn bị quỹ đất sản xuất cây vụ đông.

Năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid -19 tác động mạnh đến sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trên bình diện chung, ngành nông nghiệp Yên Bái vẫn đạt được những thành quả đáng kể trên các lĩnh vực sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục