Chiều 11/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế năm 2021 đã thuộc về ba nhà kinh tế học người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens. Đây cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel năm nay.
Thông báo của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển nêu rõ: "Công trình nghiên cứu của những người đoạt giải khoa học kinh tế năm 2021 đã cách mạng hóa nghiên cứu thực tiễn trong khoa học xã hội và cải thiện đáng kể tiềm năng của giới nghiên cứu trong việc giải mã các vấn đề quan trọng đối với tất cả chúng ta."
Giải Nobel Kinh tế năm nay được chia làm hai phần, trong đó một phần thuộc về nhà kinh tế học ông David Card (sinh năm 1956, tại Canada) và phần còn lại là giải thưởng chung cho hai chuyên gia kinh tế Joshua D. Angrist (sinh năm 1960, tại Mỹ) và Guido W. Imbens (sinh năm 1963, tại Hà Lan).
Giải thưởng dành cho nhà kinh tế học David Card ghi nhận đóng góp thực tiễn của ông đối với lĩnh vực kinh tế lao động. Phương pháp nghiên cứu của ông là thí nghiệm tự nhiên. Khác với các thí nghiệm ngẫu nhiên truyền thống, thí nghiệm tự nhiên là hình thức nghiên cứu thực nghiệm hoặc quan sát, trong đó các đối tượng nghiên cứu không chịu sự chi phối của nhà nghiên cứu, mà có thể biến động linh hoạt theo các tác động tự nhiên hoặc các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nghiên cứu.
Chuyên gia Card đã phân tích các tác động của thị trường lao động đối với mức lương tối thiểu, nhập cư và giáo dục. Ví dụ, ông đã cùng cộng sự của mình là Alan Krueger (đã qua đời) thực hiện một thí nghiệm ngẫu nhiên nhằm điều tra xem việc tăng mức lương tối thiểu sẽ có ảnh hưởng ra sao tới thị trường việc làm.
Tuy nhiên, dữ liệu từ một thí nghiệm tự nhiên rất khó giải thích. Ví dụ, việc kéo dài thời gian học tập bắt buộc thêm một năm đối với một nhóm học sinh này (chứ không phải nhóm học sinh khác) sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong nhóm đó theo cùng một cách. Một số học sinh vẫn tiếp tục học tập và đối với họ, giá trị của giáo dục thường không được đánh giá dựa trên sự tham gia của cả nhóm. Vì vậy, khó có thể rút ra bất kỳ kết luận nào về tác dụng của một năm học thêm ở trường.
Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, hai nhà kinh tế học Joshua Angrist và Guido Imbens đã giải quyết vấn đề này theo phương pháp luận trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả, theo đó chứng minh rằng các kết luận chính xác về nguyên nhân và kết quả có thể được rút ra từ các thí nghiệm tự nhiên như thế nào.
Công trình nghiên cứu khoa học này cũng đã mang lại giải Nobel Kinh tế 2021 cho hai nhà kinh tế học nói trên. Phương pháp do hai ông phát triển cũng đang được các nhà nghiên cứu hiện nay ứng dụng rộng rãi, với những dữ liệu có thể dễ dàng quan sát và đánh giá.
Ông Peter Fredriksson - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế - nhấn mạnh: "Các nghiên cứu của Card về các câu hỏi cốt lõi đối với xã hội và những đóng góp về phương pháp luận của Angrist và Imbens đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên là một nguồn kiến thức phong phú. Nghiên cứu của họ đã cải thiện đáng kể khả năng của chúng ta trong việc trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân quả, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.”
Có tên gọi đầy đủ là Giải thưởng của ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel.
Giống như những người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực Y sinh, Hóa học, Vật lý và Văn học, những người đoạt giải Nobel Kinh tế là do Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển bầu chọn. Mỗi giải thưởng Nobel năm nay sẽ bao gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD).
Từ năm 1969 tới năm 2021, đã có 53 giải Nobel Kinh tế được trao, trong đó có hai chủ nhân nữ là nhà kinh tế học Elinor Ostrom (năm 2009) và Esther Duflo (năm 2019). Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho hai nhà kinh tế Mỹ Paul. R.Milgrom và Robert B.Winson, với công trình nghiên cứu về lý thuyết đấu giá và những sáng tạo về các hình thức đấu giá mới.
Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo (khi đó 46 tuổi), trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là nhà kinh tế học Leonid Hurwicz (ở tuổi 90).
(Theo Vietnam+)