Chị Vũ Thị Hồng Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã An Lạc, huyện Lục Yên chia sẻ: "Ban Chấp hành HPN xã xác định mặc dù có nhiều chính sách giúp người dân cải thiện kinh tế hộ nhưng nếu cứ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì khó có thể bứt phá. Bởi vậy, HPN xã đã rà soát, đánh giá nguồn lực của hội viên, phụ nữ và xây dựng các mô hình làm kinh tế dựa trên chính nguồn lực sẵn có của hội viên”.
Nhận thấy khí hậu và địa hình của một số thôn trong xã phù hợp với phát triển cây dược liệu và một số hộ đã nhen nhóm trồng nhỏ lẻ, Hội đề xuất với Đảng ủy xã cho chủ trương phát triển cây khôi tía, trồng xen canh với các cây lấy gỗ, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác; đề xuất với cơ sở đào tạo nghề mở lớp kỹ thuật trồng cây khôi tía kết hợp cây khoai tím và thành lập tổ hợp tác.
Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo từ các chương trình, Hội tư vấn, vận động hội viên tham gia mô hình, nhận cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm cho hội viên. Đến nay, cây dược liệu khôi tía của xã sau 3 năm phát triển từ 0,8 ha lên 2,8 ha, cho thu nhập hàng năm từ 180 đến 200 triệu đồng.
Ngoài cây khôi tía, HPN xã còn hướng dẫn nhóm hộ hội viên có rừng trồng tre măng Bát độ khai thác và sơ chế thành phẩm và trực tiếp Chủ tịch HPN xã tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm, giúp các hộ gia đình hội viên có thu nhập hơn hẳn việc tự bán măng tươi cho thương lái như trước.
Bên cạnh đó, HPN xã còn tuyên truyền, hỗ trợ hội viên học nghề, tham gia lớp khởi sự kinh doanh. Qua đó, có hội viên đầu tư chăn nuôi gà thịt với quy mô 1.000 - 2.000 con/lứa, làm vườn ươm giống cây trồng, mở các xưởng sơ chế gỗ rừng trồng, trong đó có mô hình cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.
HPN xã Yên Hợp, huyện Văn Yên lại mạnh dạn chọn mô hình hợp tác xã (HTX) để phát huy nội lực hội viên trong sản xuất nông nghiệp. "Nhận thức được vai trò của việc liên doanh, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, Hội đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục thành lập HTX cho nhóm hội viên phụ nữ của xã có cùng mục tiêu, sở thích sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ” - Chủ tịch HPN xã Bùi Thị Quỳnh cho biết.
Theo đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành được thành lập năm 2017 với 9 thành viên tham gia. Ban đầu, HTX gặp không ít khó khăn về vốn, về tổ chức vận hành hoạt động, đầu ra cho sản phẩm. Năm 2019, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng 1.500 m2 nhà màng với hệ thống tưới bán tự động, thâm canh theo hướng sản xuất hữu cơ.
Sau nhiều thất bại do còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn giống cây trồng, mùa vụ khi canh tác trong nhà kính, đến nay, HTX đã làm chủ được quy trình sản xuất và đã có những kết quả đáng khích lệ. HTX tiếp tục triển khai thêm mô hình du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, có thể đón 30 khách mỗi ngày, mở thêm hướng phát triển mới trên nền tảng sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch HPN xã Bùi Thị Quỳnh nhận định: "Từ thực tế hoạt động của HTX cho thấy việc phát triển kinh tế tập thể đã đem lại hiệu quả rõ nét, từ nâng cao giá trị sản xuất cho đến tạo việc làm cho phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho các thành viên chia sẻ, hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và giải quyết một phần về vốn đầu tư”.
Hỗ trợ từ đồng vốn cho đến nâng cao kiến thức, khơi dậy ý thức vươn lên..., nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hỗ trợ trên 28.000 hộ gia đình có phụ nữ về vốn từ ủy thác với các ngân hàng; các phong trào như "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, "Phụ nữ làm kinh tế giỏi” đã hỗ trợ, thúc đẩy 5.300 hộ phụ nữ thoát nghèo, phát triển mới gần 2.800 hộ, mô hình làm kinh tế. Mở rộng tính liên kết trong phát triển kinh tế, các cấp hội đã vận động, hỗ trợ thành lập 588 tổ hợp tác, 24 HTX và 14 doanh nghiệp do nữ làm chủ…
Nâng cao quyền năng kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 như Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI vừa qua xác định. Những chỉ tiêu cụ thể được đưa ra làm đích phấn đấu: giúp 2.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 500 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; vận động, hỗ trợ thành lập mới 10 hợp tác xã, doanh nghiệp có phụ nữ tham gia quản lý.
Rất nhiều giải pháp sẽ được thực hiện như duy trì phong trào "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, phát triển các mô hình câu lạc bộ "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, "Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”, thúc đẩy Phong trào "Phụ nữ giúp nhau sáng tạo khởi nghiệp phát triển kinh tế”, hỗ trợ khởi nghiệp…
Trong đó, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giảm nghèo; phát huy tính chủ động, tích cực về thực hiện giảm nghèo bền vững, tính năng động, sáng tạo trong phát triển sản xuất, kinh doanh… vẫn được đặt lên hàng đầu để khơi dậy mạnh mẽ nội lực của hội viên từ trong nhận thức cho đến ý thức, cách thức hành động để thay đổi đời sống kinh tế hộ.
Thu Hạnh