Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/10/2021 | 7:49:49 AM

Ngày 28-10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công: Từ 90 đến 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 đến 100% số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 60% số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án sẽ triển khai giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Mùa sen ở Vân Hội. (Ảnh: Thanh Miền)

Thiên nhiên ưu đãi với nhiều di tích lịch sử, đa dạng bản sắc văn hóa và có nhiều đặc sản nông nghiệp, người dân thân thiện, hiếu khách..., là những yếu tố quan trọng để Trấn Yên xây dựng và phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

Các nhà máy thủy điện hoạt động cầm chừng do thiếu nước đã làm sụt giảm mạnh nguồn thu vào ngân sách (ảnh có tính minh họa).

Năm 2021, huyện Mù Cang Chải được tỉnh giao kế hoạch thu ngân sách (TNS) Nhà nước là 141 tỷ đồng. Trong đó, thu cân đối 96,5 tỷ đồng, thu từ tiền giao đất 45 tỷ đồng. Đây là số thu tương đối lớn đối với một huyện vùng cao phần lớn người dân dựa vào nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp khó khăn, hoạt động sản xuất chủ yếu dựa vào thời tiết.

Xã Suối Giàng tích cực triển khai nhiều giải pháp để quản lý khoáng sản chưa khai thác.

Thời gian qua, huyện Văn Chấn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Ngày 28/10, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Yên Bái năm 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục