Bộ NN&PTNT cho biết Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi được Chính phủ ban hành ngày 21/1/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2020. Nhiều nội dung của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP được triển khai thi hành trong thực tiễn đã tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong chăn nuôi, đồng thời phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, một số tổ chức, cá nhân có văn bản đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định về Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương (CFS) tại Điểm c Khoản 3 Điều 18 và Cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam tại Khoản 2 Điều 29.
Theo đó, về CFS (Điểm c Khoản 3 Điều 18) quy định: Một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phản ánh khó khăn về việc cung cấp CFS trong hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi truyền thống vì một số lý do như quy định về cấp CFS cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống còn có sự khác nhau giữa các quốc gia về cơ quan có thẩm quyền cấp (ở một số quốc gia, CFS được tổ chức, hiệp hội cấp mà không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền); một số nước xuất khẩu chưa cấp CFS cho một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi truyền thống...
Về cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam (Khoản 2 Điều 29) quy định: Một số doanh nghiệp, địa phương đề xuất bổ sung các cửa khẩu được phép tiếp nhận động vật sống (như các cửa khẩu Hòn La, Cha Lo, Long An, Vũng Áng…) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã xây dựng địa điểm nuôi cách ly gần khu vực các cảng này, bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm chi phí vận chuyển.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi là cần thiết.
Theo Bộ NN&PTNT, dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh nhằm phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị định là sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP về Giấy chứng nhận lưu hành tự do và về cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam cũng như các quy định có liên quan bảo đảm bám sát nội dung hướng dẫn tại Luật Chăn nuôi. Qua đó nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về chăn nuôi, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Việc sửa đổi, bổ sung nói trên cũng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dễ thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính; đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ với các quy định chi tiết, minh bạch, đơn giản để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động trong chăn nuôi.
(Theo chinhphu.vn)