Theo Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2021-2022 toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,081 triệu ha, giảm khoảng 6 nghìn ha so với lúa vụ Đông Xuân 2020-2021. Năng suất trung bình dự kiến đạt 64,4 tạ/ha tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,965 triệu tấn, giảm khoảng 18,2 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dự báo xu hướng gia tăng cường độ rét trong các tháng chính đông; rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 02/2022. Nhiệt độ trung bình mùa Đông năm 2021-2022 có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2020-2021. Lượng mưa khu vực Bắc Bộ từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 phổ biến ít mưa và thời lượng mưa ở mức thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11/2021-4/2022. Nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50%, đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60-90%. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng, đặc biệt trong các tháng mùa cạn của năm 2022.
Lập Xuân sẽ vào ngày 4/2/2022 (04/01 năm Nhâm Dần), địa phương cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống để đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn tránh ảnh hưởng của đợt rét cuối của rét nàng Bân. Do đó, các địa phương chỉ đạo sản xuất trà Xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.
Các địa phương sớm xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, màu vụ Đông Xuân 2021-2022 và vụ Hè Thu, vụ Đông của cả năm 2022; xác định vụ Đông Xuân là vụ có năng xuất cao nhất, quan trọng nhất trong năm nên phải ưu tiên bố trí thời vụ tối ưu nhất. Do dự báo vụ Đông Xuân 2021-2022 là vụ Đông Xuân lạnh nên các địa phương tính toán thời gian gieo mạ phù hợp để thời gian trỗ tập trung vào thời điểm tối ưu nhất. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
"Khả năng có một số đợt rét đậm, rét hại sảy ra trên một số địa phương đặc biệt các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Do vậy các địa phương cần phải có các giải pháp phòng chống rét cho cây trồng nhất là mạ, lúa mới cấy", bà Trần Thị Hòa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhìn chung diện tích đất được đổ ải vụ Đông Xuân 2021-2022 kém hơn so với Vụ Đông Xuân trước, do vậy các địa phương cần các giải pháp làm đất kỹ, xử lý tốt rơm rạ và lưu ý hiện tượng ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ và có biện phát xử lý phù hợp. Sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, tranh thủ lấy nước tối đa qua các đợt triều cường, đồng thời bám sát lịch xả nước từ các hồ chứa để tích nước trong hệ thống, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022.
Cục Trồng trọt khuyến cáo những diện tích không trồng cây vụ Đông cần sớm cày lật đất để ải, vệ sinh đồng ruộng hạn chế nguồn dịch hại. Nông dân cần cấy tập trung 1-2 giống cùng trà theo vùng, khu, xứ đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như SRI, ba giảm, ba tăng, biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến; áp dụng biện pháp phòng dịch hại tổng hợp IPM, ICM... tưới nước cho lúa theo kỹ thuật "nông, lộ, phơi", tạo điều kiện tiết kiệm nước tưới, quần thể ruộng lúa khoẻ, phát triển cân đối, sạch sâu, bệnh, năng suất cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu để tỉnh có chính sách hỗ trợ nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng, tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi; tích trữ nước sớm trong các ao, hồ, kênh mương; điều tiết hợp lý tiết kiệm nước trong các hồ chứa, đảm bảo nước tưới cho cây vụ Đông nhưng không để ảnh hưởng đến chất lượng đất ải, việc làm thuỷ lợi nội đồng. Các tỉnh Đồng bằng trung du bắc Bộ cần bám sát lịch xả nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình; Thác Bà, Tuyên Quang để có kế hoạch lấy nước đổ ải, làm đất, gieo cấy lúa Đông Xuân 2021-2022 hiệu quả và đảm bảo thời vụ.
Hiện tại, các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang hiện có mức trữ đạt 80% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ nhiều năm (thường đang trữ cơ bản đầy nước); các hồ chứa nước thủy lợi khu vực Bắc Bộ hiện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 75% dung tích thiết kế. Bên cạnh đó, tình trạng mực nước hạ du hệ thống sông Hồng bị hạ thấp do ảnh hưởng của việc khai thác cát quá mức và một số nguyên nhân khác tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lấy nước của các hệ thống công trình thủy lợi. Do vậy, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ và một số địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc sẽ gặp khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Với dung tích trữ của các hồ chứa thủy điện ở mức thấp như hiện nay và tình trạng hạ thấp mực nước hạ du hệ thống sông vẫn đang tiếp tục diễn ra, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương trình Bộ phương án điều tiết nước các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang có hiệu quả để đảm bảo phục vụ sản xuất theo đúng kế hoạch và tiết kiệm nước tưới. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ giải pháp khắc phục các công trình thủy lợi đã bị ảnh hưởng.
Các địa phương vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cần xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 của địa phương theo lịch lấy nước sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo. Kế hoạch cần bảo đảm tiến độ của địa phương, phù hợp với tiến độ lấy nước chung trong toàn khu vực, không phát sinh nhu cầu bổ sung nguồn nước ngoài lịch lấy nước.
Để vụ Đông Xuân 2021-2022 thắng lợi, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng là: cơ cấu giống phù hợp với địa phương, thời vụ; đúng thời vụ (giống ngắn ngày, gieo cấy Xuân muộn); phương thức gieo trồng là sử dụng mạ non và hạn chế tối đa mạ gieo. Bên cạnh đó, địa phương cần chú ý đến vấn đề chất lượng giống, bởi vụ Mùa vừa qua mưa lớn, kéo dài, lúa đổ nhiều.
Năm 2021, toàn miền Bắc gieo cấy ước đạt 2.304 nghìn ha, giảm khoảng 19 nghìn ha so với năm 2020. Diện tích gieo cấy giảm do một số diện tích không gieo cấy được vì hạn hán, một số diện tích được chuyển đổi sang cây rau màu, cây ăn quả lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn và một phần diện tích đã chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp... Tuy nhiên, sản lượng lúa năm 2021 các tỉnh phía Bắc ước đạt 13,418 triệu tấn, tăng 233 nghìn tấn so với năm 2020.
Mặc dù năm 2021 ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19 và điều kiện thời tiết bất thuận, sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc có thể đánh giá là đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.
(Theo Tin tức)