Các địa phương Yên Bái tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành thu ngân sách năm 2021

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2021 | 7:44:09 AM

YênBái - Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2021, các địa phương trong tỉnh đang thực hiện chặng đường cuối cùng để thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu hoàn thành sớm dự toán năm đã được tỉnh giao. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái tại các địa phương.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn huyện  Trấn Yên phát triển ổn định đóng góp lớn vào công tác thu ngân sách.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn huyện Trấn Yên phát triển ổn định đóng góp lớn vào công tác thu ngân sách.

TRẤN YÊN NỖ LỰC CHẶNG "NƯỚC RÚT"

Năm 2021, huyện Trấn Yên được tỉnh giao thu ngân sách 199,1 tỷ đồng, trong đó thu cân đối 99 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 100 tỷ đồng. Xác định thu ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị, thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã thị trấn xây dựng kịch bản thu ngân sách theo tuần, tháng, quý năm; đẩy mạnh cải cách hành chính, công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân sách. 

Đồng thời, thường xuyên tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu. Nhờ đó, đến ngày 24/10, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 157 tỷ đồng, đạt 78,8% dự toán tỉnh giao, đạt 75,2% so với chỉ tiêu tỉnh giao thêm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. 
 
Thu ngân sách có những chuyển biến tích cực nhưng để hoàn thành sớm dự toán năm đã được tỉnh giao, Trấn Yên còn gặp nhiều khó khăn: dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh; ngành thuế thực hiện giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nên tác động đến số thu ngân sách; nguồn lực tài chính một số doanh nghiệp đang khó khăn nên nộp thuế còn chậm. 

Bên cạnh đó, số thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện mới đạt 52,2% kế hoạch do một số quỹ đất có giá trị lớn chưa đưa vào thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất như quỹ đất thôn Thắng Lợi, xã Y Can, quỹ đất thôn Khe Nhài, xã Tân Đồng…. Một số quỹ đã đấu giá nhưng chưa có người đấu giá như quỹ đất Lê Quý Đôn mới đấu giá được 3/9 lô, quỹ đất Hòa Cuông còn tồn 3 lô...

Nhận định từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn ở mức cầm chừng, để hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, theo ông Nông Đức Quân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Trấn Yên - Văn Yên: Chi cục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; thực hiện cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Đồng thời, theo dõi tiến độ thu từng thời điểm để có những giải pháp thu kịp thời; đẩy mạnh biện pháp quản thu nợ và cưỡng chế nợ thuế để hạn chế tình trạng nợ thuế; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để nâng cao công tác quản lý thuế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ”.  

Cũng theo ông Nông Đức Quân, huyện đang tập trung cao độ thu tiền sử dụng đất. Trong đó, đẩy mạnh việc thu hợp pháp hóa tiền sử dụng đất trên địa bàn các xã, thị trấn như chuyển mục đích quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các quỹ đất ở thôn Khe Nhài, xã Tân Đồng; thôn Làng Qua, xã Báo Đáp; quỹ đất Cây Si, xã Vân Hội và các lô đất còn tồn như quỹ đất Lê Quý Đôn, quỹ đất Hòa Cuông theo phương án đã xây dựng. 

Cùng đó, khẩn trương hoàn thành quy hoạch đầu cầu Cổ Phúc, báo cáo tỉnh xem xét cho đấu giá quyền sử dụng đất thu tiền sử dụng đất; thu tái định cư từ các quỹ đất cho các doanh nghiệp đến đầu tư như Công ty TH; Công ty Gang thép Yên Bái và tái định cư quốc lộ 37.

Đến ngày 24/10, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt  gần 157 tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán tỉnh giao và 75,2% chỉ tiêu tỉnh giao thêm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Trong đó, thu cân đối đạt 104,7 tỷ đồng - cao nhất trong khối huyện. Dự báo, cả năm Trấn Yên sẽ thu đạt 208,7 tỷ đồng, bằng 104,5 dự toán tỉnh giao. 

Văn Thông

VĂN YÊN "TĂNG TỐC" HAI THÁNG CUỐI NĂM

Năm 2021, huyện Văn Yên được giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước 226,2 tỷ đồng, trong đó thu cân đối 111,2 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 115 tỷ đồng. Vượt lên những khó khăn, đến ngày 27/10, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đã đạt 209,7 tỷ đồng, bằng 92,6% dự toán tỉnh giao, đạt 88% dự toán phấn đấu. Trong đó, thu tiền sử dụng đất được 124,4 tỷ đồng, đạt 108% dự toán. 

Tuy nhiên, thu cân đối trên địa bàn hiện mới đạt 76,7% dự toán. Ông  Ngọc Văn Tú - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Trấn Yên - Văn Yên lý giải: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 253 doanh nghiệp, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nên các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, tinh dầu quế sản phẩm sản xuất chủ yếu tiêu thụ trong nước, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao, dẫn đến hàng tồn kho nhiều nên ảnh hưởng đến số thu ngân sách trên địa bàn. Nguồn thu từ thủy điện năm 2021 dự toán giao là 29,5 tỷ đồng, chiếm 26,5% dự toán thu cân đối, nhưng những tháng đầu năm các nhà máy không khai thác hết công suất do mưa ít, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp. Cùng đó, ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật thuế của một số doanh nghiệp và người nộp thuế còn hạn chế nên tình trạng chây ỳ, nợ đọng tiền thuế còn kéo dài.

Tính đến 27/10, tổng số thuế có khả năng thu là 9,6 tỷ đồng, tuy nhiên trong đó có 3 doanh nghiệp hiện không có khả năng nộp, gồm Công ty Graphiter hiện nợ 5,1 tỷ đồng. Doanh nghiệp này ngừng khai thác 3 năm nay vì không có thị trường tiêu thụ, sản phẩm hàng tồn kho trên 20.000 tấn quặng, ước tính trên 200 tỷ đồng; Công ty Vinasan 0,7 tỷ đồng: HTX Kiên Cường 1,3 tỷ đồng…

Căn cứ kết quả thực hiện thu và tình hình phát triển kinh tế của địa phương, dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, năm nay huyện Văn Yên phấn đấu thu đạt trên 241 tỷ đồng bằng 107% so với dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. 

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến 31/12, huyện phải thu 32 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Trấn Yên - Văn Yên đang tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm triển khai đồng bộ có hiệu quả các giải pháp thu thuế. 

Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn chính sách pháp luật thuế đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định số 23/2021/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52 của Chính phủ... 



Chế biến quế xuất khẩu tại Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà. 

Cùng đó, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính về thuế tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong quá trình đăng ký, kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế; thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình phát triển kinh tế của địa phương, tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ đó dự báo sớm khả năng phát sinh, thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế nhằm kiểm soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế theo quy định. 

Chi cục tiếp tục tăng cường rà soát quản lý khai thác đối với các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là các nguồn thu phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình, dự án như thuế giá trị gia tăng vãng lai, phí bảo vệ môi trường và các khoản thu khác ngân sách trên địa bàn; đôn đốc các doanh nghiệp nộp đúng thời hạn đối với các khoản tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng hết thời hạn gia hạn theo quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ, không để phát sinh gia tăng số nợ mới; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình trạng kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế trên địa bàn nhằm hạn chế tình trạng khai sai, khai chậm làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách. 

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách đền bù, các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để người dân đồng thuận nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng để thi công, mặt bằng để đấu giá đảm bảo kế hoạch; đôn đốc các cá nhân trúng giá quyền sử dụng đất nộp tiền vào ngân sách khi đến hạn nộp tiền; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp để thu các khoản chống thất thu thuộc các lĩnh vực san tạo mặt bằng, xây dựng vãng lai, khai thác cát, sỏi... trong đó tập trung thu thuế đối với các hộ kinh doanh vận tải. 

Thông Nguyễn

VĂN CHẤN: NHIỀU XÃ ĐÃ VƯỢT THU, DOANH NGHIỆP CÒN GẶP KHÓ KHĂN

Năm 2021, huyện Văn Chấn được UBND tỉnh giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn 225,7 tỷ đồng, trong đó thu cân đối 155,7 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 70 tỷ đồng. Tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu ngân sách ngày 8/10, Tỉnh ủy giao cho huyện tăng thu thêm 10 tỷ đồng. Đến ngày 19/10, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 153,5 tỷ đồng, bằng 68% dự toán tỉnh giao, tăng 24% so với cùng kỳ. 

Trong đó, thu cân đối đạt 110,2 tỷ đồng, bằng 71% dự toán tỉnh giao, tăng 47% so cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 43,3 tỷ đồng, bằng 62% dự toán tỉnh giao, bằng 88% so cùng kỳ. Khối xã đã thu đạt trên 7,8 tỷ đồng, bằng 88,5% so với dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ, nhiều xã đã vượt số thu được giao. 



Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nghĩa Văn - Trạm Tấu (địa bàn huyện Văn Chấn) hướng dẫn người nộp thuế các thủ tục hành chính thuế. 

Theo ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, thời tiết, dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chế biến của ngành chè, thủy điện, chăn nuôi gia súc… Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các ban, sở, ngành, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế, công tác thu ngân sách đã đạt kết quả quan trọng. 

Thu từ doanh nghiệp quốc doanh trung ương đạt 627 triệu đồng, bằng 125,5% dự toán và 273,7% cùng kỳ (số thu tăng do Công ty cổ phần Chè Trần Phú phát sinh số thu của quý IV/2021 và nộp vào ngân sách); thu từ doanh nghiệp quốc doanh địa phương đạt 47,9 tỷ đồng, bằng 103% dự toán và 280% so với cùng kỳ (do Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn nộp số nợ phát sinh cuối năm 2020 truy thu sau thanh tra chuyển sang, đồng thời sản lượng điện 10 tháng năm 2021 cũng tăng so với cùng kỳ); thuế thu nhập cá nhân đạt trên 4,2 tỷ đồng, bằng 107% dự toán, tăng 43% so cùng kỳ; thu phí và lệ phí đạt 9 tỷ đồng, bằng 107% dự toán, tăng 75% so cùng kỳ... 

Khối xã đến ngày 19/10 đã thu đạt trên 7,8 tỷ đồng, bằng 88,5% so với dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Một số xã có số thu đạt tỷ lệ cao so với dự toán giao là Suối Giàng đạt 151,8%, Nậm Búng đạt 121,9%, Sơn Lương đạt 105,8%, Tân Thịnh đạt 100,9%... 

Về tổng thể, thu ngân sách 10 tháng của năm địa phương mới đạt 68% so với dự toán, nguyên nhân do thời tiết khô hạn, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chế biến, kinh doanh của ngành chè, thủy điện, chăn nuôi gia súc. Một số doanh nghiệp thủy điện chỉ đạt trên 50% công suất như Thủy điện Văn Chấn đạt 9,25/16,76 triệu kw; Thủy điện Trường Thành chỉ đạt 5,96/10,23 triệu kw. Sản xuất chế biến chè là ngành có số thu chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu cân đối, nhưng các "làn sóng” dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến giá bán và tiêu thụ sản phẩm, tương lai không mấy khả quan, khi bán được hàng thì đối tác nợ tiền thanh toán. 

Với ngành sản xuất - kinh doanh chè, ông Nguyễn Ngọc Anh - Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Nghĩa Văn - Trạm Tấu đánh giá: các đơn vị sản xuất chè tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, xuất hàng rất chậm, chủ yếu là lưu kho. Một số doanh nghiệp chuyên hàng xuất khẩu Container hàng đã nằm vài tháng tại cảng Hải Phòng nhưng vẫn chưa xuất đi được. 

Một số tổng công ty lớn mua hàng không có tiền thanh toán cho các doanh nghiệp, từ đó dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nên cũng khó khăn trong việc nộp ngân sách. 

Dự kiến số thuế giá trị gia tăng nói chung khối doanh nghiệp phát sinh quý III/2021 chỉ bằng từ 40% - 50% so với cùng kỳ, tương ứng từ 4 - 5 tỷ đồng. Vì vậy, dự kiến thu phát sinh quý IV/2021 chỉ đạt khoảng 3 tỷ đồng.

Việc thu mua chè búp tươi tại các huyện lân cận ngoại tỉnh như Minh Đài (Phú Thọ), Mường Cơi (Phù Yên - Sơn La) bị đứt gẫy do giãn cách xã hội, giá bán thấp dao động từ 14.000 - 16.000 đồng/kg chè bán thành phẩm, với chè sàng thành phẩm dao động từ 17.200 -17.300 đồng/kg nhưng chỉ tập trung vào một số mặt hàng cấp cao chiếm khoảng 50%, số lượng mặt hàng cấp thấp còn lại không tiêu thụ được. 

Nhìn vào báo cáo của UBND huyện thì số thu 10 tháng tăng 24,2% so với cùng kỳ nhưng chủ yếu do thu nợ từ năm trước. Chỉ tiêu thu ngoài quốc doanh không đạt tiến độ so với dự toán là do Công ty cổ phần Trường Thành được giao 23 tỷ đồng, số thu 10 tháng mới đạt trên 7,4 tỷ đồng. Ngoài ra, do thực hiện gia hạn nộp thuế đến 31/12/2021 cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất chế biến chè, thương mại dịch vụ… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngành sản xuất chế biến chè dự kiến sẽ không hoàn thành dự toán giao đầu năm. 

Quang Thiều

Tags Yên Bái thu ngân sách

Các tin khác

Chiều 9/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái tổ chức Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử Voso.vn.

Thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 9/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh phía Bắc.

Bất chấp ảnh hưởng tử COVID-19, ngân sách nhà nước vẫn thặng dư sau 10 tháng đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục