Giá xăng, dầu tăng mạnh cùng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, nhất là các đơn vị sử dụng nhiều xăng, dầu.
Thường xuyên gom các mặt hàng rau, củ, quả ở quê để mang ra chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái bán, mỗi ngày bà Hà Thị Thư, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên thường xuyên phải đi gần 60 km, thậm chí có ngày đi lại 4 lượt gần 120 km. Tuy nhiên, từ khi xăng dầu tăng giá, bà đã phải tính toán, gom hàng 2 - 3 ngày mới đi một lần nên thu nhập gia đình cũng bị giảm sút.
"Tranh thủ lúc nông nhàn, tôi hay gom hàng nông sản ra Yên Bái bán, mỗi ngày cũng kiếm được 100 - 200 nghìn đồng. Việc xăng tăng giá khiến cho chi phí đi lại tăng, hơn nữa giá nhập các mặt hàng thiết yếu, rau xanh hiện nay cũng tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg tùy loại, khiến cho việc kinh doanh thêm khó khăn” - bà Hà Thị Thư cho biết thêm.
Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó, khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán.
Anh Nguyễn Trung Kiên, một tiểu thương ở thành phố Yên Bái chia sẻ: "Thời gian qua, xăng tăng giá liên tục nên các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng theo giá xăng, dầu. Theo quy luật từ những lần tăng giá xăng, dầu trước, trong thời gian tới, giá các mặt hàng nhu yếu phẩm, phụ tùng sẽ tăng cao”.
Nằm trong diện phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp vận tải phải "đắp chiếu” hơn 5 tháng nay. Dù hiện nay, cơ bản các tuyến liên tỉnh đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách ít cộng thêm chi phí tăng cao do giá xăng, dầu tăng nên nhiều nhà xe vẫn chưa thể hoạt động.
Ông Trần Đăng Thanh, nhà xe Trần Thanh cho biết: "Theo tính toán nếu như lượng khách và giá xăng, dầu như hiện tại thì mỗi chuyến nhà xe sẽ lỗ khoảng 2 triệu đồng. Chính vì thế, hiện nay chúng tôi cũng không biết làm gì hơn là thường xuyên kiểm tra xe để tránh hỏng hóc và đợi dịch ổn định cũng như có giải pháp để đảm bảo nguồn thu để hoạt động”.
Theo ông Phạm Việt Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái, hiện nay, Công ty đang có khoảng 70 xe xuất phát từ tỉnh Yên Bái đi các bến trong nước, chiếm khoảng 50% tổng số xe. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách chỉ đạt khoảng 30% số ghế, thậm chí nhiều xe không có khách. Trong khi, chi phí xăng, dầu chiếm 30 - 40% giá cước vận tải nên khi mặt hàng này tăng đã khiến nhiều nhà xe không thể hoạt động vì không đủ nguồn thu, một số xe vẫn duy trì đúng giờ, đúng tuyến để giữ khách nhưng phải bù lỗ cao trong khi doanh nghiệp không thể ngay lập tức tăng giá cước.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá; giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu trong nước trải qua 19 lần điều chỉnh giá. Tuy nhiên, các kỳ điều chỉnh gần đây đều trong xu thế tăng giá mạnh.
Tại thành phố Yên Bái thời điểm này, giá xăng E5 RON 92-II có giá bán 23.570 đồng/lít, xăng E5 RON 95-IV có giá 24.910 đồng/lít, dầu diesel có giá bán 19.080 đồng/lít. Giá xăng, dầu tăng cao, bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.
Theo các ngành chức năng, những tháng cuối năm, lạm phát có thể sẽ chịu tác động của một số yếu tố như giá xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực. Do đó, các bộ, ngành cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp đề xuất các giải giáp giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI; đối với nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy các giải pháp tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời nghiên cứu giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn cho nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản…
Hùng Cường